BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 112/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây
Ninh trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 01 năm 2025
|
Kính gửi: Đoàn
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
Bộ Y tế nhận được Công văn số 942/BDN ngày
06/11/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời
kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có
một số kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến
lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Thời gian gần đây, tình trạng học sinh, sinh
viên hút thuốc lá điện tử trong học đường có chiều hướng tăng, thậm chí tình trạng
này còn xảy ra đối với học sinh cấp tiểu học, có thể gây hiệu ứng làm theo, ảnh
hưởng đến sức khỏe, học tập và tương lai của các em. Kiến nghị các ngành chức
năng xem xét ban hành các quy định về cấm trẻ em dưới 18 tuổi sử dụng thuốc lá
điện tử.
Ngày 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa
XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó
cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện
tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe
con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội;
giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ
sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để đưa nội dung này vào Luật bảo đảm
tính ổn định trong triển khai thực hiện.
2. Kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục (1) đào tạo đội
ngũ Bác sĩ y học cổ truyền (YHCT), (2) bổ sung thuốc điều trị YHCT vào danh mục
thuốc bảo hiểm y tế và mở rộng mạng lưới YHCT đến tận cơ sở để mọi người dân được
tiếp cận đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng YHCT, nhằm giảm chi phí đi lại
cho người có nhu cầu khám chữa bệnh tại cơ sở.
2.1. Về việc tiếp tục đào tạo đội ngũ bác sĩ y học
cổ truyền
Việc tuyển sinh và đào tạo bác sĩ Y học cổ truyền
đã và vẫn đang được tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Hiện
nay, cả nước có 16 cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo ngành Y học cổ truyền
trình độ đại học (đào tạo bác sĩ Y học cổ truyền), 08 cơ sở giáo dục đại học
đang đào tạo trình độ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, Bác sĩ nội trú
chuyên ngành Y học cổ truyền, 04 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ thạc
sĩ ngành Y học cổ truyền và 03 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ
ngành Y học cổ truyền, số Bác sĩ Y học cổ truyền tốt nghiệp năm 2023 là 989 bác
sĩ, số sinh viên ngành Y học cổ truyền đang đào tạo tính đến 31/12/2023 là
8.371 sinh viên.
Ngày 23/11/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số
3159/QĐ-BYT phê duyệt Chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ Y học cổ truyền Việt
Nam; xây dựng dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo ngành y học cổ truyền trình độ
đại học gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định và ban hành theo quy định hiện
hành.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tăng cường
đào tạo cả về quy mô và chất lượng đào tạo bác sĩ Y học cổ truyền.
2.2. Về việc bổ sung danh mục thuốc điều trị y học
cổ truyền vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư quy định nguyên
tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn
thanh toán đối với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc có kết hợp dược chất
với các dược liệu, dược liệu, vị thuốc cổ truyền thuộc phạm vi được hưởng của
người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó đã đổi mới việc cập nhật danh mục thuốc
bảo hiểm y tế theo hướng thường xuyên, liên tục và linh hoạt, trong đó quy định
được cập nhật ít nhất 02 năm một lần.
3. Nguồn dược liệu của nước ta hiện nay rất
phong phú, tuy nhiên trên 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập
khẩu. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế có chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp
dược để đáp ứng được nhu cầu mong muốn được sử dụng thuốc do người Việt Nam tự
sản xuất.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 1,
Luật số 44/2024/QH15 ngày 21/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Dược sửa đổi, bổ sung Điều 7, Luật Dược số 105/2016/QH13 và khoản 5, Điều 1, Luật số 44/2024/QH15 ngày 21/11/2024 sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Dược sửa đổi, bổ sung Điều 8, Luật
Dược số 105/2016/QH13, đã có những chính sách ưu đãi cụ thể cho phát triển
công nghiệp dược và sản xuất, nuôi trồng dược liệu và giao Chính phủ quy định
chi tiết các nội dung. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu trình Chính phủ
ban hành Nghị định hướng dẫn và các văn bản hướng dẫn để có chính sách ưu đãi
phát triển nguồn dược liệu và ngành công nghiệp dược trong nước.
4. Tại khoản 5 Điều 10 Nghị định
số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một
số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh
vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương quy định:
“2. Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải bảo
đảm yêu cầu về sức khỏe; không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A,
E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp.”
Tuy nhiên, mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ (phụ lục
3 kèm theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng
dẫn khám sức khỏe) không có trong mục “Nội dung khám” để xác định các bệnh
trên. Dẫn đến việc không thể xác định được hành vi vi phạm của cơ sở và điều kiện
đảm bảo an toàn thực phẩm. Kiến nghị Bộ Y tế xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung
khám đối với các loại bệnh trên vào mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ.
Tại Mục IV, Mẫu số 03, Phụ lục số XXIV, Thông tư số
32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ Y tế về Sổ khám sức khỏe định kỳ có quy định:
“Xét nghiệm huyết học/sinh hóa/X.quang và các xét nghiệm khác khi có chỉ định
của bác sĩ”.
Vì vậy khi bác sĩ nghi ngờ cần xét nghiệm khác, bác
sĩ sẽ chủ động chỉ định; hoặc theo đề nghị/yêu cầu của cá nhân, doanh nghiệp/tổ
chức thì cơ sở khám sức khỏe sẽ thực hiện thêm xét nghiệm theo phạm vi hành nghề.
5. Kiến nghị ngành chức năng tham mưu Chính phủ
kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối
thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa
phương.
Tại Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ
tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày
21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an
toàn thực phẩm trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ: “Tham
mưu Chính phủ kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng
thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
từ trung ương tới địa phương”.
Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần
Hồng Hà tại Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 của Văn phòng Chính phủ về
việc điều chỉnh cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ trên, cùng với quá trình
đánh giá thực hiện tiến tới sửa đổi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số
15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ,
ngành liên quan và các địa phương để tiến hành đánh giá các mô hình quản lý nhà
nước về an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam; kết hợp tìm hiểu, tham khảo mô
hình quản lý ở một số nước có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng nhằm đề xuất
mô hình phù hợp với Việt Nam trong trước mắt và về lâu dài. Bộ Y tế đã ban hành
Kế hoạch số 799/KH-BYT ngày 26/6/2024 về việc khảo sát, đánh giá mô hình quản
lý an toàn thực phẩm hiện có từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam và tham
khảo, tìm hiểu mô hình quản lý an toàn thực phẩm một số nước (Hàn Quốc, Nhật Bản,
Trung Quốc...). Sau khi khảo sát, Bộ Y tế sẽ đề xuất mô hình quản lý an toàn thực
phẩm cụ thể. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đang chờ Bộ Tài chính bổ sung kinh
phí để triển khai.
6. Kiến nghị ngành chức năng quan tâm đào tạo, bồi
dưỡng tập huấn kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ về công tác an toàn thực
phẩm, kỹ năng truyền thông về an toàn thực phẩm cho đội ngũ cán bộ làm công tác
an toàn thực phẩm của các địa phương. Hỗ trợ, cấp bổ sung tài liệu, ấn phẩm
truyền thông về an toàn thực phẩm, kít kiểm tra nhanh (kit test nhanh) an toàn
thực phẩm cho các tỉnh.
Kể từ năm 2021, khi Chương trình mục tiêu quốc gia
về y tế kết thúc, nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức các lớp đào tạo chuyên
ngành về an toàn thực phẩm đã bị hạn chế. Tuy nhiên, theo chức năng nhiệm vụ, Bộ
Y tế đã tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên môn, hướng dẫn triển khai Thông
tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2024 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một
số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ Y tế ban hành; phổ biến
hướng dẫn về công bố sản phẩm, quản lý thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm
và quy định kiểm tra an toàn thực phẩm.
Công tác truyền thông, cùng với hoạt động thanh
tra, kiểm tra và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đã được hướng dẫn cụ thể tại các
phụ lục trong các kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, như kế hoạch cho Tết
Nguyên đán, mùa lễ hội và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm hằng năm. Các kế
hoạch này sẽ do Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm hướng dẫn
triển khai trên toàn quốc.
Ngoài ra, tại các giai đoạn cao điểm trong năm, Bộ
Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn chuyên môn để
hỗ trợ các địa phương đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên website của Cục An toàn
thực phẩm (vfa.gov.vn), các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ,
văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu truyền thông luôn được cập nhật thường
xuyên. Các địa phương có thể sử dụng, nhân bản hoặc tham khảo các tài liệu này
để triển khai công tác tuyên truyền phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị của
từng khu vực.
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của
cử tri tỉnh Tây Ninh liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: ATTP, KCB, QLD, K2ĐT, YDCT, PC;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|