Kính gửi: Đoàn
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.
Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng
Sơn gửi đến sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến
theo Công văn số 691/BDN ngày 15/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:
1. Nội dung kiến nghị: Theo
quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 hiện nay chỉ giao tài sản kết cấu hạ tầng
(TSKCHT) cấp nước sạch cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch để lập phương án
theo phương thức bán tài sản theo hình thức đấu giá hoặc cho thuê quyền khai
thác.
- Đối với phương án bán: Do thị trấn thuộc các huyện
trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vùng núi, thuộc địa bàn khó khăn, hoạt động kinh
doanh cấp nước chủ yếu mang tính chất an sinh xã hội, đa phần là lỗ hoặc không
có lãi; do đó, các công trình cấp nước sạch đô thị tại các huyện khi tổ chức đấu
giá sẽ không có đơn vị tham gia. Đối với các TSKCHT đô thị được tiếp nhận từ
các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Lạng Sơn sẽ khó khăn trong
quá trình đấu giá, do các hệ thống này chỉ bao gồm các tuyến ống phân phối và
chủ yếu được đấu nối từ hệ thống cấp nước của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng
Sơn, việc điều tiết cấp nước sẽ phụ thuộc vào nguồn cấp nước của Công ty.
Đồng thời theo quy định tại điểm c
khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP, trong trường hợp không thực hiện
được việc giao tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp có vốn nhà
nước thì thực hiện giao tài sản cho cơ quan chuyên môn (Sở Xây dựng) để lập
phương án khai thác theo phương thức bán tài sản theo hình thức đấu giá. Tuy
nhiên, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng quản lý, vận
hành hệ thống cấp nước sạch đô thị. Do đó, nếu giao tài sản cho cơ quan chuyên
môn về xây dựng (Sở Xây dựng) để lập phương án khai thác khi chưa thực hiện
xong phương án bán tài sản, sẽ gây khó khăn trong việc quản lý, vận hành hệ thống
cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh.
- Đối với phương án cho thuê quyền khai thác: Công
ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn đã đề nghị tiếp tục giao cho doanh nghiệp quản
lý và trích nộp khấu hao về NSNN hoặc theo hình thức thuê tài sản, hằng năm
doanh nghiệp sẽ trả tiền thuê tài sản bằng tiền trích nộp giá trị khấu hao tài
sản theo quy định. Tuy nhiên theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều
5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP, việc cho thuê quyền khai thác TSKCHT cấp nước
sạch áp dụng đối với trường hợp tài sản đã giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã
nhưng thực tế việc quản lý, sử dụng và khai thác không đạt hiệu quả, không thể
hiện đối với trường hợp cho thuê đối với tài sản đã giao cho doanh nghiệp có vốn
nhà nước theo hình thức giao tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại
doanh nghiệp.
Đề nghị Bộ Tài chính xem xét giải quyết nội dung kiến
nghị, cụ thể như sau:
(1) Xác định phạm vi, đối tượng: Đối với các các
công trình cấp nước sạch cho khu vực đô thị là TSKCHT cấp nước sạch đô thị. Đối
với các công trình cấp nước sạch cho khu vực nông thôn và khu vực cửa khẩu (nằm
ngoài đô thị) là TSKCHT cấp nước sạch nông thôn. Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng
Sơn xác định như vậy đã đảm bảo chính xác theo quy định tại khoản
1 Điều 1, Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ hay chưa?
(2) Trường hợp giao TSKCHT cấp nước sạch đô thị
theo hình thức tăng vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn
(doanh nghiệp có vốn Nhà nước) có phù hợp theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg
ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà
nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại,
thoái vốn giai đoạn 2021-2025 hay không?
(3) Đối với TSKCHT cấp nước sạch đô thị do nhà nước
đầu tư hiện nay đang giao cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn quản lý
khai thác, vận hành (không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) có được
phép thực hiện theo hình thức “cho thuê quyền khai thác” như trường hợp tài sản
đã giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại điểm c khoản 3
Điều 5 của Nghị định 43/2022/NĐ-CP hay không?
(4) Trong thời gian cơ quan chuyên môn (Sở Xây dựng)
tổ chức lập phương án khai thác, cho phép Công ty đang quản lý các TSKCHT nước
sạch đô thị tiếp tục thực hiện quản lý, vận hành đến khi có quyết định của cấp
có thẩm quyền phê duyệt phương án giao quản lý, khai thác tài sản hay không?
2. Bộ Tài chính trả lời như
sau:
2.1. Về việc xác định phạm
vi (loại TSKCHT cấp nước sạch đô thị/nông thôn tập trung) để giao cho đối tượng
quản lý
a) Cơ chế, chính sách chung về hoạt động sản xuất,
cung cấp và tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định tại Văn bản hợp nhất
số 12/VBHN-BXD ngày 27/4/2020 của Bộ Xây dựng về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ
nước sạch (hợp nhất 02 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007, số
124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ
nước sạch và Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ sửa đổi,
bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật) và các
Văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Theo phân công của Chính phủ thì cơ quan thực hiện
chức năng quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch
gồm: Bộ Xây dựng đối với hoạt động cấp nước đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu công nghệ cao, khu kinh tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với
hoạt động cấp nước nông thôn.
b) Tại khoản 1 Điều 1, khoản 1, khoản
2 Điều 4, khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022
của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
cấp nước sạch quy định TSKCHT cấp nước sạch (đô thị/nông thôn tập trung) được
giao cho đối tượng quản lý căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành (tại điểm
a nêu trên) phù hợp với điều kiện cụ thể về quy mô công trình, công nghệ cấp nước,
xử lý nước, đặc điểm kinh tế, xã hội và các điều kiện khác của từng địa phương.
Căn cứ quy định nêu trên, việc xác định phạm vi (loại
TSKCHT cấp nước sạch đô thị/nông thôn tập trung) để giao cho đối tượng quản lý
trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn quyết định. Trường
hợp có vướng mắc thì đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xin ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện.
2.2. Về việc giao TSKCHT
cấp nước sạch đô thị theo hình thức tăng vốn nhà nước cho doanh nghiệp có vốn
nhà nước (Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn) liên quan đến Quyết định số
22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm
b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP của Chính phủ
thì việc giao TSKCHT cấp nước sạch theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước cho
doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước (sau đây gọi là doanh
nghiệp có vốn nhà nước) để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh nước sạch theo
quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất,
kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên
quan.
Tại Quyết định số 22/202)/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của
Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp
có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn
2021-2025 quy định doanh nghiệp hoạt động trong ngành “khai thác, sản xuất,
cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông thôn” thuộc nhóm doanh nghiệp
phai thực hiện chuyển đổi sở hữu, thoái vốn nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới
65% vốn điều lệ (điểm 1 Mục III Phụ lục ban hành kèm theo
Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg); tại Quyết 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của
Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước,
doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 quy định các doanh nghiệp
khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch thuộc nhóm giữ nguyên phần vốn nhà nước
giai đoạn 2022 - 2025 (Mục 2 Phụ lục III về Danh mục doanh nghiệp nhà nước,
doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn và giữ nguyên phần vốn nhà nước
giai đoạn 2022 - 2025)
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đã có Công
văn số 13208/BTC-QLCS ngày 28/11/2023 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tăng vốn
điều lệ, duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong ngành,
lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch và thoát nước đô thị, nông
thôn” (đính kèm); theo đó, Bộ Tài chính đã có ý kiến: (i) Quy định giao
tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch cho doanh nghiệp có vốn nhà nước quản lý
theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị định số
43/2022/NĐ-CP là cần thiết, đảm bảo tài sản được quản lý hiệu quả; tuy nhiên,
trong một số trường hợp không thực hiện được do có sự không thống nhất với quy
định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh
doanh tại doanh nghiệp (như: Không thuộc lĩnh vực được Nhà nước đầu tư vốn
hoặc bổ sung vốn theo quy định tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ và
các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021, số
1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022); (ii) đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ thực
tế thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 22/2021/QĐ-TTg , số
1479/QĐ-TTg của các Bộ, ngành, địa phương; đối chiếu với quy định tại Nghị định
số 43/2022/NĐ-CP để đánh giá, báo cáo Cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải
quyết.
Căn cứ tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước,
doanh nghiệp có vốn nhà nước tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của
Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại
doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong
đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp, khai thác nước sạch thuộc
danh mục duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư đang được giao chủ trì tổng hợp, báo cáo về khó khăn, vướng mắc và đề xuất,
kiến nghị về việc tăng vốn điều lệ, duy trì tỷ lệ vốn nhà nước tại các doanh
nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực “khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch
và thoát nước đô thị, nông thôn” đã cổ phần hóa trước khi Quyết định số
22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
2.3. Về việc Công ty cổ
phần Cấp thoát nước Lạng Sơn đề nghị được quản lý khai thác, vận hành theo hình
thức “cho thuê quyền khai thác” đối với TSKCHT cấp nước sạch đô thị đã giao cho
Công ty theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước
ngày Nghị định số 43/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành
- Tại Điều 26 Nghị định số
43/2022/NĐ-CP quy định việc xử lý tồn tại khi Nghị định này có hiệu lực thi
hành; theo đó, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện việc rà soát, phân loại TSKCHT cấp
nước sạch (nông thôn tập trung/đô thị) hiện có trước ngày Nghị định số 43/2022/NĐ-CP
có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 26;
trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch lập phương án giao quản lý,
khai thác TSKCHT cấp nước sạch theo quy định tại các Điều 5, 6,
7 và 8, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định.
- Tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định
số 43/2022/NĐ-CP quy định giao TSKCHT cấp nước sạch theo hình thức ghi tăng
vốn nhà nước cho doanh nghiệp có vốn nhà nước; không có quy định giao tài sản
cho doanh nghiệp không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Tại điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị định
số 43/2022/NĐ-CP quy định giao TSKCHT cấp nước sạch cho cơ quan chuyên môn
về cấp nước sạch để lập phương án khai thác theo một trong các phương thức: (i)
Bán tài sản theo hình thức đấu giá cho các tổ chức[1]; (ii) Cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn
quyền khai thác tài sản[2].
Theo đó, doanh nghiệp có vốn nhà nước có thể tham gia việc quản lý, khai thác
tài sản thông qua việc mua tài sản đấu giá hoặc thuê quyền khai thác hoặc nhận
chuyển nhượng quyền khai thác tài sản trên cơ sở thực hiện phương án khai thác
TSKCHT cấp nước sạch được giao cho cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch.
Căn cứ các quy định trên, cơ quan chuyên môn về cấp
nước sạch đô thị (Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn) có trách nhiệm rà soát TSKCHT cấp
nước sạch đô thị hiện có trước ngày Nghị định số 43/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi
hành theo quy định tại khoản 4 Điều 26 (trong đó có tài sản
đã giao cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn quản lý theo hình thức
không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) để lập phương án giao quản
lý, khai thác tài sản theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 và 8, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xem xét quyết
định.
Theo đó, đối với TSKCHT cấp nước sạch đô thị đã
giao cho Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn theo hình thức không tính
thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn (trong trường
hợp không giao tài sản này cho doanh nghiệp có vốn nhà nước theo hình thức tính
thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc không giao cho đơn vị sự nghiệp công lập)
thực hiện lập phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê quyền khai thác
TSKCHT cấp nước sạch đô thị này (trong đó Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lạng
Sơn là một đối tượng tham gia đấu giá). Như vậy, Công ty cổ phần Cấp thoát nước
Lạng Sơn có thể tham gia việc quản lý, khai thác tài sản này thông qua việc
thuê quyền khai thác khi Sở Xây dựng tỉnh Lạng Sơn tổ chức thực hiện phương án
khai thác TSKCHT cấp nước sạch đô thị theo quy định tại điểm c
khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP (nêu trên).
2.4. Về việc quản lý, vận
hành tài sản trong thời gian cơ quan chuyên môn về cấp nước sạch lập phương án
khai thác
Tại điểm e khoản 4 Điều 28 Nghị định
số 43/2022/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong
việc thực hiện Nghị định số 43/2022/NĐ-CP , trong đó có “Chỉ đạo việc vận
hành cấp nước sạch thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến đời
sống nhân dân trong thời gian thực hiện việc rà soát, phân loại tài sản”.
Do đó, trong thời gian cơ quan chuyên môn về cấp nước
sạch đô thị (Sở Xây dựng) lập phương án khai thác đối với TSKCHT cấp nước sạch
đô thị (sau khi thực hiện rà soát, phân loại tài sản) thì Ủy ban nhân dân tỉnh
Lạng Sơn quyết định việc quản lý, vận hành tài sản, đảm bảo phù hợp với quy định
tại điểm e khoản 4 Điều 28 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP nêu
trên.
Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến
nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng
Sơn để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Dân nguyện- UBTVQH;
- Bộ KH&ĐT;
- Văn phòng Bộ;
- Cục THTK (để đăng tải cổng TTĐT);
- Vụ PC;
- Lưu: VT, QLCS (07b).
|
BỘ TRƯỞNG
Hồ Đức Phớc
|
[1]
Áp dụng trong trường hợp không thực hiện được việc giao tài sản cho các đối tượng
theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP (gồm:
đơn vị SNCL, UBND cấp xã, DN có vốn nhà nước)
[2]
Áp dụng trong trường hợp không thực hiện được việc giao tài sản cho các đối tượng
theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2022/NĐ-CP hoặc
tài sản đã giao cho UBND cấp xã nhưng thực tế việc quản lý, sử dụng và khai
thác không hiệu quả.