BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1019/QLCL-TTPC
V/v phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của
cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII
|
Hà Nội, ngày
10 tháng 6 năm 2014
|
Kính gửi: Văn
phòng Bộ
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng tại Văn bản số
2748/BNN-VP ngày 10/6/2014 về việc phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử
tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII, Cục Quản lý Chất lượng
Nông lâm sản và Thủy sản báo cáo Bộ trưởng như sau:
NỘI DUNG Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ.
Tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém
chất lượng được bày bán phổ biến, thiếu kiểm soát gây thiệt hại nghiêm trọng đến
sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân. Việc sử dụng hóa chất độc hại,
không rõ nguồn gốc trong bảo quản thực phẩm, rau quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực
vật quá mức hoặc các chất không được phép; tiêu thụ thực phẩm ôi thiu, không rõ
nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, đe dọa an toàn, sức khỏe con người.
Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền tăng
cường quản lý các mặt hàng vật tư nông nghiệp và kiểm tra vệ sinh an toàn thực
phẩm để bảo vệ sản xuất và sức khỏe của nhân dân.
TRẢ LỜI.
1. Về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy tỷ
lệ mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vi phạm chất lượng như đã công bố nói
chung còn cao, tuy năm 2013 có cải thiện (9,2 %) so với năm 2012 (17%).
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tập trung triển khai một số giải pháp sau:
a) Hoàn thiện chính sách, pháp luật.
- Đối với vật tư phân bón.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp
cùng Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định về Quản lý phân bón thay
thế các văn bản cũ để quản lý tốt hơn, theo hướng quản lý từ gốc: Đưa phân bón
trở thành mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện; hoàn thiện hệ thống các
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và quản lý chất lượng phân bón dựa trên
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; đồng thời Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức
năng xây dựng trình Bộ ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định về
quản lý phân bón để nhanh chóng đưa Nghị định vào cuộc sống, quản lý phân bón
chặt chẽ, hiệu quả hơn.
- Đối với vật tư thuốc bảo vệ thực vật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình
Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; đã trình Chính phủ ban
hành Nghị định số 114/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; đã ban hành Thông tư số
03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 về quản lý thuốc BVTV và nhiều văn bản chỉ đạo
và huy động hệ thống BVTV từ trung ương đến địa phương vào cuộc quyết liệt để
quản lý chặt chẽ thuốc BVTV ;
b) Công tác thông tin, truyền thông.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức
pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh
trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức tuyên truyền giáo dục
cho người sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nhận biết và hướng xử lý
khi gặp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; hướng dẫn lựa chọn
sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các đơn vị có uy tín, có
thương hiệu.
c) Công tác thanh tra, kiểm tra.
- Năm 2013 Bộ đã phát động đợt thanh tra diện rộng,
lấy mẫu kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xử lý các hành
vi vi phạm; tăng cường phối hợp liên Ngành tổ chức kiểm tra, thanh tra, phát hiện
ngăn chặn kịp thời và nghiêm khắc hành vi sản xuất, buôn bán các loại phân bón
giả, kém chất lượng: Tháng 11/2013 Bộ đã mời UBND các tỉnh biên giới, các Bộ,
Ngành có liên quan để họp bàn và tìm giải pháp phối hợp quản lý, kiểm soát thuốc
BVTV nhập khẩu vào Việt Nam.
- Năm 2014, để tăng cường công tác quản lý nhà
nước về các loại vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, Bộ trưởng đã
ban hành Chỉ thị 167/CT-BNN-TTr ngày 20/01/2014 về việc tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm
thủy sản và tổ chức đợt thanh tra diện rộng về vật tư nông nghiệp (Quyết định số
888/QĐ-BNN-TTr ngày 29/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn)
2. Về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
Để đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm, hàng
năm các cơ quan thuộc Bộ đều triển khai giám sát, đánh giá mức an toàn thực phẩm
nông lâm thủy sản. Kết quả lấy mẫu giám sát trên diện rộng các sản phẩm tiêu thụ
nhiều, nguy cơ cao trong các năm gần đây cho thấy tỷ lệ mẫu rau quả tươi có tồn
dư thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép là 5,6% đến 6,8%; thịt gia súc, gia cầm có tồn
dư hoá chất, kháng sinh, chất tạo nạc vượt ngưỡng cho phép là 2% đến 4,9%; thuỷ
sản có tồn dư hoá chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép là 0,7% đến 2,6%; tỷ lệ
mẫu nhiễm như trên ở mức tương đương với các nước đang phát triển trong khu vực
nhưng còn cao hơn so với EU, Nhật, Úc... và có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định;
riêng tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật còn cao (10% đến 38,7%)
do còn nhiều bất cập ở khâu giết mổ, bày bán mất vệ sinh .
Để công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
nói chung, công tác quản lý hóa chất, chất tăng trưởng độc hại nói riêng trong
sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý, trong những
năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng
trực thuộc Bộ:
a) Tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ chế, chính
sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATTP nông lâm thủy sản, cụ thể:
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Bộ đã trình Chính phủ
ban hành 05 Nghị định, 01 Quyết định; ban hành Đề án xây dựng và phát triển mô
hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, 26 Thông tư về công tác quản lý chất lượng,
ATTP nông lâm thủy sản, 32 Quy chuẩn kỹ thuật, 49 Tiêu chuẩn Việt Nam và Đề án
Phát triển sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.
Hoàn thiện dự thảo, lấy ý kiến góp ý Đề án khung
về quy hoạch vùng rau an toàn cho các đô thị lớn, Đề án tổ chức dịch vụ bảo vệ
thực vật và Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm.
b) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền
thông, tổ chức chính trị xã hội phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách
pháp luật về ATTP: Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai chương
trình truyền thông về chuỗi sản xuất nông sản, thủy sản an toàn.
c) Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm
tra và xử lý vi phạm.
- Triển khai thực chất có hiệu quả Thông tư
14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh
VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó:
+ Cơ bản đã rà soát, thống kê được đầy đủ các cơ
sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ và kiểm tra,
đánh giá , xếp loại A, B, C (loại A đáp ứng quy định, loại B còn sai lỗi nhưng
chưa đến mức nghiêm trọng, loại C sai lỗi nghiêm trọng cần khắc phục).
+ Hướng dẫn khắc phục các sai lỗi và xử lý các
cơ sở không đạt (loại C).
+ Công khai kết quả kiểm tra, xếp loại A, B, C.
- Duy trì lấy mẫu giám sát trên diện rộng kết hợp
với thông tin vi phạm ATTP từ các nguồn khác nhau làm cơ sở đánh giá nguy cơ,
xác định sản phẩm nguy cơ cao, công đoạn nguy cơ cao, địa bàn nguy cơ cao để tổ
chức thanh tra, điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm vi phạm (kể cả thu hồi sản
phẩm không an toàn); kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, tránh để người dân thiếu
thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang, đồng thời giúp người tiêu dùng trong
phân biệt, lựa chọn sản phẩm an toàn
- Các trường hợp mất ATTP do cơ quan chức năng
giám sát, kiểm tra phát hiện hoặc do phương tiện thông tin đại chúng phản ánh,
Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ngay lập tức thanh tra/điều tra, xác định
nguyên nhân, mức độ, hậu quả và xử lý nghiêm vi phạm theo qui định, đồng thời kịp
thời cung cấp thông tin chính xác đến người tiêu dùng, như lấy mẫu, kiểm tra an
toàn thực phẩm đối với các loại hạt (hướng dương, hạt dưa hấu, bầu, bí), rau
(ngót, mướp đắng), gừng, khoai tây Trung Quốc; cá tầm, cá quả, cá trê trên địa
bàn thành phố Hà Nội; gạo tại thành phố Hồ Chí Minh; tình hình nhiễm chất
Trifluralin trong cá điêu hồng; cảnh báo của thị trường Nhật Bản đối với việc
nhiễm dư lượng Ethoxyquin trong thủy sản Việt Nam; điều tra, xác minh phản ánh
trên báo chí về “đường dây sản xuất trà bẩn” tại Lâm Đồng, sử dụng hoá chất làm
chín chuối tại Hà Nội, giăm bông bẩn, sườn bỏ cay..).
Trên đây là báo cáo trả lời của Cục, đề nghị Văn
phòng Bộ nghiên cứu, tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, TTPC
|
CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Như Tiệp
|