Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

An toàn giao thông: Danh sách văn bản hướng dẫn 2024

Ngày 01/01/2025, Luật giao thông đường bộ 2008 hết hiệu lực và các quy tắc khi tham gia giao thông đường bộ sẽ được áp dụng theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024. Dưới đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn về An toàn giao thông đường bộ.

1. Thế nào là An toàn giao thông?

An toàn giao thông có thể hiểu là tình trạng không có hoặc giảm thiểu tối đa các tai nạn, sự cố xảy ra trong quá trình tham gia giao thông. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi cá nhân cần tuân thủ luật giao thông, nâng cao ý thức và kỹ năng lái xe đồng thời đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại và an toàn.

Theo quy định tại Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 thì phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Trong đó:

- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. 

- Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

Danh sách văn bản hướng dẫn về An toàn giao thông (Hình từ Internet)

2. Một số hành vi bị cấm khi tham gia giao thông đường bộ (trước ngày 01/01/2025)

Một số hành vi bị cấm khi tham gia giao thông được trích từ quy định tại Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008 như sau:

- Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

- Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

- Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.

- Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

(Xem toàn bộ các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008)

3. Danh sách văn bản hướng dẫn về An toàn giao thông

Dưới đây là tổng hợp các văn bản hướng dẫn về giao thông theo quy định hiện hành (trước khi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành).

Mời bạn đọc xem qua để cập nhật các kiến thức hữu ích trong lĩnh này nhé.

1

Luật giao thông đường bộ 2008

Luật Giao thông đường bộ 2008 số 23/2008/QH12 có hiệu lực vào 01/07/2009 quy định về quy tắc giao thông đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Đây là bộ quy tắc xử sự chung mà mỗi người tham gia giao thông cần nắm rõ để hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị an toàn giao thông.

Một số nội dung đáng chú ý của Luật này là Quy tắc chung tại Điều 9, Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe tại Điều 12, Sử dụng làn đường tại Điều 13.

2

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 số 44/2019/QH14 quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật này có hiệu lực vào ngày 01/01/2020.

Nội dung về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia được quy định tại Chương IV của Luật này. Các nội dung nổi bật tại Luật này có thể kể đến Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Điều 5, Địa điểm không uống rượu, bia tại Điều 10, Quản lý kinh doanh rượu tại Điều 15.

3

Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 số 36/2024/QH15 có hiệu lực vào 01/01/2025 là quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về nội dung nổi bật đáng chú ý, bạn đọc có thể tham khảo quy định về phân hạng giấy phép lái xe tại Điều 57, bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe tại Điều 58, tăng độ tuổi tối đa của người lái xe tại Điều 59.

4

Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng

Nghị định 123/2021/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 01/01/2022) sửa đổi một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, hướng đến mục tiêu xã hội an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.

5

Nghị định 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính

Nghị định 135/2021/NĐ-CP có hiệu lực 01/01/2022,quy định về việc quản lý, sử dụng, đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. 

6

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực 01/01/2020 quy định chi tiết về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ được quy định tại Chương II Nghị định này. Như khi xe ô tô dừng xe, đỗ xe không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết sẽ bị phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này. 

7

Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến xe. Nghị định này có hiệu lực vào ngày 01/04/2020.

Nội dung nổi bật tại đây là quy định về Cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại Điều 17 Nghị định.

8

Nghị định 109/2009/NĐ-CP về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên

Nghị định 109/2009/NĐ-CP về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên quy định về tín hiệu; yêu cầu kỹ thuật; lắp đặt, quản lý và sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Nghị định này có hiệu lực vào ngày 01/02/2010.

Một số điểm đáng chú ý trong Nghị định là Quy định về xe khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Điều 3, Tín hiệu của xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ tại Điều 4, Tín hiệu của xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Điều 6, Tín hiệu của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu tại Điều 8.

9

Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Nghị định 11/2010/NĐ-CP có hiệu vào ngày 15/04/2010, quy định chi tiết một số điều của Luật Giao thông đường bộ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bao gồm: đặt tên hoặc số hiệu đường bộ; quy hoạch kết cấu hạ tầng và tiêu chuẩn kỹ thuật; thẩm định an toàn giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; trách nhiệm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Nguyên tắc khi đặt tên hoặc số hiệu đường bộ cũng được quy định tại Điều 3 Nghị định này.

10

Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 12/2017/TT-BGTVT có hiệu lực vào 01/06/2017, quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe; tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ trong phạm vi cả nước.

Về nội dung đáng chú ý trong Thông tư có thể kể đến Đào tạo lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 tại Điều 12; Đào tạo lái xe các hạng B1, B2, C tại Điều 13; Đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe tại Điều 14.

11

Thông tư 08/2009/TT-BGTVT hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 08/2009/TT-BGTVT ( có hiệu lực ngày 07/08/2009) hướng dẫn những nguyên tắc chung về hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự; trên cơ sở an toàn giao thông đường bộ, giảm thiểu tối đa tình trạng tai nạn giao thông đường bộ. Nội dung nổi bật tại Thông tư là quy định trang bị mũ bảo hiểm cho hành khách đi xe các loại xe bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe tại Điều 3.

12

Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ. Thông tư có hiệu lực vào ngày 01/12/2015, được xây dựng trên cơ sở giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, góp phần vào mục tiêu xây dựng xã hội an toàn giao thông.

Quy định đáng chú ý của Thông tư là quy định về xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn lưu hành trên đường bộ tại Điều 9; quy định về hàng siêu trường, siêu trọng tại Điều 12.

13

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT (có hiệu lực 15/10/2019) quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ, trừ xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Thông tư cung cấp văn hóa giao thông cho người điều khiển phương tiên khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Các nội dung nổi bật tại Thông tư là Nguyên tắc chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường bộ tại Điều 4, Các trường hợp phải giảm tốc độ tại Điều 5.

14

Thông tư 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 45/2021/TT-BGTVT có hiệu lực vào 31/03/2022 quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ trên mạng lưới đường bộ ở Việt Nam, áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động trạm thu phí đường bộ trên mạng lưới đường bộ ở Việt Nam.

Nội dung nổi bật tại Thông tư là thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng, thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín tại Điều 9 quy định về hình thức và phương thức thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ.

15

Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực ngày 15/09/2023, quy định phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung; trang phục; trang bị, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; huy động lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã, phường, thị trấn phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết. 

Nội dung đáng chú ý là thẩm quyền của được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bô tại Điều 8 Thông tư này.

Quy trình phạt nguội vi phạm giao thông đường bộ được quy định tại Chương II Thông tư này. 

16

Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, bao gồm: Đăng ký xe lần đầu; đăng ký sang tên, di chuyển xe; cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký xe tạm thời; thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; đăng ký, cấp biển số xe trúng đấu giá hướng dẫn giải quyết một số trường hợp cụ thể; biểu mẫu, thời hạn sử dụng chứng nhận đăng ký xe, xác định năm sản xuất của xe và biển số xe. Thông tư này có hiệu lực vào 15/08/2023.

Khi đăng ký xe, người tham gia giao thông cần chuẩn bị Hồ sơ đăng ký xe lần đầu tại Điều 8 Thông tư này, Các trường hợp cụ thể đối với Giấy khai đăng ký xe, Giấy tờ của chủ xe, Giấy tờ của xe cũng được quy định tại tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư.

17

Thông tư 05/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 05/2024/TT-BGTVT có hiệu lực vào 01/06/2024 hướng dẫn một số quy định mới như: Hướng dẫn thời gian học lái xe; Hồ sơ học giấy phép lái xe; Quy định mới về hạng giấy phép dùng cho xe cải tạo; Cơ quan thụ lý hồ sơ dự sát hạch lái xe...

Nội dung nổi bật tại Thông tư là sửa đổi Quy định về phương pháp tính toán vi phạm tại Khoản 2 Điều 2, Thời gian học lái xe ban đêm tại Khoản 1 Điều 3.

18

Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-BCA-BGTVT quy định về phối hợp cung cấp số liệu đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ do Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 01/2010/TTLT-BCA-BGTVT quy định việc phối hợp cung cấp số liệu đăng ký, kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây viết gọn là đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông), dữ liệu về tai nạn giao thông và cấp, đổi, thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Thông tư này có hiệu lực vào 17/04/2010.

19

Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Công an ban hành

Thông tư 26/2014/TTLT-BYT-BCA có hiệu lực ngày 19/09/2014, quy định những trường hợp xét nghiệm; điều kiện, trách nhiệm của cơ sở xét nghiệm; quy trình xét nghiệm và thanh toán chi phí xét nghiệm trong việc xét nghiệm nồng độ cồn (Etanol) trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng. 

Quy định nổi bật trong Thông tư là những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu tại Điều 3, Quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong máu tại Điều 5, Thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu tại Điều 6.

20

Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Giao thông vận tải ban hành

Thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe; đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Thông tư có hiệu lực vào ngày 10/10/2015. Về nội dung nổi bật, bạn đọc có thể xem các quy định về Tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe tại Điều 3, Khám sức khỏe đối với người lái xe tại Điều 4, Khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô tại Điều 5.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 98.84.18.52
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!