Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 mới nhất

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Dưới đây là những văn bản quan trọng hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp.

1. Giáo dục nghề nghiệp được hiểu như thế nào? Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là gì?

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì "Giáo dục nghề nghiệp" là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

Theo đó, đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 thì mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp bao gồm các nội dung cụ thể như sau:

- Mục tiêu chung của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

- Mục tiêu cụ thể đối với từng trình độ của giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:

+ Đào tạo trình độ sơ cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề;

+ Đào tạo trình độ trung cấp để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ sơ cấp và thực hiện được một số công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm;

+ Đào tạo trình độ cao đẳng để người học có năng lực thực hiện được các công việc của trình độ trung cấp và giải quyết được các công việc có tính phức tạp của chuyên ngành hoặc nghề; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào công việc, hướng dẫn và giám sát được người khác trong nhóm thực hiện công việc.

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp còn hiệu lực (Hình từ Internet)

2. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Căn cứ Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo đó, có sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

- Trường trung cấp;

- Trường cao đẳng.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây:

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

3. Thời gian đào tạo trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Căn cứ Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 (được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 113 Luật giáo dục 2019) quy định về thời gian đào tạo, cụ thể như sau:

Thời gian đào tạo

1. Thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học nhưng phải bảo đảm thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ học đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học.

2. Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.

Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo.

Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông.

3. Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế được thực hiện từ 02 đến 03 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 01 đến 02 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp còn hiệu lực

1

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 số 74/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, Chương II Luật này quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Chương III quy định về hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.

2

Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập

Nghị định 113/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định chế độ phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân, người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành; phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo dạy cho người khuyết tật; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo dạy thực hành trực tiếp giảng dạy trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập), có hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn.

Trong đó, đáng chú ý tại Chương II Nghị định này quy định về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

3

Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 143/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 14/10/2016 quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

- Thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục; thành lập, cho phép thành lập, chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng công lập và tư thục.

- Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Điều kiện, thủ tục cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp.

4

Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 49/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2018 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:

- Điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định); đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là tổ chức kiểm định);

- Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là kiểm định viên); cấp, cấp lại, thu hồi thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là thẻ kiểm định viên);

- Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định).

5

Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Nghị định 140/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/10/2018.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong đó, nội dung sửa đổi liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghiệp được quy định tại Chương II Nghị định này.

6

Nghị định 15/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 15/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/03/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:

- Thẩm quyền và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp;

- Cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; cho phép thành lập, chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài;

- Điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài;

- Điều kiện thành lập, chấm dứt hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam;

- Điều kiện, thẩm quyền, thủ tục thành lập, công nhận cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận;

- Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

7

Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 24/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/06/2022.

Nghị định này sửa đổi một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cụ thể bao gồm:

- Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 140/2018/NĐ-CP);

- Nghị định số 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp.

8

Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/12/2022 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Trong đó, Mục 2 Chương II Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động tuyển sinh; Mục 4 Chương II quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm tra, thi, tổ chức đánh giá kết quả học tập; biểu mẫu; sổ sách quản lý đào tạo.

9

Nghị định 4/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Nghị định 4/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/02/2023.

Nghị định này sửa đổi các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong đó, nội dung sửa đổi liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Chương I Nghị định này.

10

Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH về đào tạo trình độ sơ cấp, Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo thường xuyên, Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Thông tư 10/2017/TT-BLĐTBXH quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 08/02/2019.

Thông tư này sửa đổi một số thông tư sau đây:

- Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH về đào tạo trình độ sơ cấp

- Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo thường xuyên

- Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

- Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp

- Thông tư 10/2017/TT-BLĐTBXH quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng

- Thông tư 31/2017/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học

11

Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 05/12/2015 quy định về đào tạo thường xuyên, bao gồm: xây dựng, lựa chọn, phê duyệt chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo thường xuyên đối với các chương trình đào tạo thường xuyên theo yêu cầu của người học; bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề; bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp; kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề; chuyển giao công nghệ và các chương trình đào tạo khác có thời gian đào tạo dưới 03 tháng.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về tuyển sinh đào tạo thường xuyên tại Điều 8; quy định về thời gian và kế hoạch đào tạo tại Điều 9; hay quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ đào tạo tại Điều 12.

12

Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH quy định tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH số 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 23/10/2015 quy định về tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư liên tịch này là quy định về nguyên tắc, yêu cầu dạy, học môn học GDQP&AN tại Điều 3; quy định về đối tượng được miễn, tạm hoãn học môn học GDQP&AN tại Điều 4; hay quy định về giáo viên, giảng viên GDQP&AN tại Điều 5.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.61.142
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!