Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ 2024

Dưới đây là danh sách các Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính bắt đầu có hiệu lực từ năm 2024 trong một số lĩnh vực.

1. Vi phạm hành chính là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.”

Các hành vi phạm hành chính sẽ bị người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Tổng hợp Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ 2024

2. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Xử lý vi phạm hành chính phải tuân theo các nguyên tắc tại Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:

- Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

- Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định;

- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần;

- Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó;

- Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;

- Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Danh sách các Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính bắt đầu có hiệu lực từ 2024

1

Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

Nghị định 38/2024/NĐ-CP ban hành ngày 05/04/2024 và có hiệu lực kể từ ngày 20/05/2024.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

2

Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi theo Nghị định 126/2021/NĐ-CP

Nghị định 46/2024/NĐ-CP ban hành ngày 04/05/2024 và có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2024; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP)

Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền nhận đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh; thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

3

Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá

Nghị định 87/2024/NĐ-CP ban hành ngày 12/07/2024 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý giá (bao gồm: hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá) và việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

4

Nghị định 117/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Nghị định 117/2024/NĐ-CP ban hành ngày 18/09/2024 và có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, bao gồm: luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại; Hành chính tư pháp, bao gồm: hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký biện pháp bảo đảm; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Hôn nhân và gia đình; Thi hành án dân sự; Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

5

Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Nghị định 123/2024/NĐ-CP ban hành ngày 04/10/2024 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (bao gồm: hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện), hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, đối tượng bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.203.196
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!