1. Bảo hiểm tiền gửi là gì? Nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi được quy định như thế nào?
Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 thì "Bảo hiểm tiền gửi" là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Trong đó, khái niệm "người được bảo hiểm tiền gửi" và "tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi" được hiểu như sau:
- Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 có quy định về nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi, cụ thể bao gồm các nội dung sau:
- Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
- Hoạt động bảo hiểm tiền gửi phải công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Trọn bộ văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm tiền gửi mới nhất (Hình từ Internet)
2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi
Căn cứ Điều 10 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, theo đó bao gồm các nội dung cụ thể sau đây:
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp phí bảo hiểm tiền gửi.
- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về bảo hiểm tiền gửi.
- Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.
3. Số tiền bảo hiểm được trả
Theo quy định tại Điều 25 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định về số tiền bảo hiểm được trả, cụ thể bao gồm các nội dung như sau:
- Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tại Điều 24 của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.
- Số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được bảo hiểm tiền gửi được quy định như sau:
+ Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người quy định tại Điều 24 của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.
- Trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó.
4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Bảo hiểm tiền gửi mới nhất
1
Nghị định 68/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi
Nghị định 68/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/08/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi.
Trong đó, Chương 2 Nghị định này quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, với Điều 6 về cấp chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, Điều 12 về ủy quyền trả tiền bảo hiểm, Điều 13 về nhận tiền bảo hiểm.
2
Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
Nghị định 88/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/12/2019 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Trong đó, vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Mục 11 Chương II Nghị định này.
3
Thông tư 20/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 312/2016/TT-BTC quy định về chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Bô trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 20/2020/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/05/2020.
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Thông tư 312/2016/TT-BTC quy định về chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
4
Thông tư 24/2014/TT-NHNN hướng dẫn về hoạt động bảo hiểm tiền gửi do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Thông tư 24/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 24/10/2014 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi: nội dung Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sáp nhập, hợp nhất; bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi niêm yết tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; thời hạn nộp và tính phí bảo hiểm tiền gửi; thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; thủ tục trả tiền bảo hiểm và việc thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả từ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; mở và sử dụng tài khoản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước); mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về tính phí bảo hiểm tiền gửi tại Điều 7, quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại Điều 8 và thủ tục trả tiền bảo hiểm tại Điều 9.
5
Thông tư 312/2016/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Thông tư 312/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/01/2017 quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về quản lý vốn và tài sản; Chương III quy định về thu nhập, chi phí với Điều 18 và Điều 19 lần lượt quy định về các khoản thu/chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.