Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản nổi bật về Chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng. Chủ đề này tổng hợp các văn bản nổi bật về Chứng khoán phái sinh.

1. Chứng khoán phái sinh là gì?

Căn cứ Khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, chứng khoán phái sinh được định nghĩa như sau:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

9. Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Trong đó:

- Hợp đồng quyền chọn là loại chứng khoán phái sinh, xác nhận quyền của người mua và nghĩa vụ của người bán để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

+ Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá thực hiện đã được xác định tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai;

+ Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở tại thời điểm trước hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

- Hợp đồng tương lai là loại chứng khoán phái sinh niêm yết, xác nhận cam kết giữa các bên để thực hiện một trong các giao dịch sau đây:

+ Mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai;

+ Thanh toán khoản chênh lệch giữa giá trị tài sản cơ sở đã được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng và giá trị tài sản cơ sở vào ngày đã xác định trong tương lai.

- Hợp đồng kỳ hạn là loại chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận, xác nhận cam kết giữa các bên về việc mua hoặc bán số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định vào ngày đã xác định trong tương lai.

Tổng hợp văn bản nổi bật về Chứng khoán phái sinh (Hình từ Internet)

2. Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh

Theo Điều 4 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh được quy định như sau:

Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (sau đây gọi tắt là công ty quản lý quỹ) chỉ được thực hiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh:

- Công ty chứng khoán được thực hiện một hoặc một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, bao gồm: môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh, tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh;

- Công ty quản lý quỹ chỉ được thực hiện hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh.

Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với công ty chứng khoán bao gồm:

- Được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán;

- Đáp ứng các điều kiện về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu như sau:

+ Đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh: có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên;

+ Đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh: có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 600 tỷ đồng trở lên;

+ Đối với hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh: có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 250 tỷ đồng trở lên;

+ Trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh và tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 800 tỷ đồng trở lên;

- Đáp ứng yêu cầu về kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro cho hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định của pháp luật về hoạt động của công ty chứng khoán;

- Đáp ứng điều kiện về nhân sự: Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ và tối thiểu 05 nhân viên cho mỗi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh dự kiến đăng ký có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với quy định của pháp luật và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

- Có tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất; thực hiện trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định của pháp luật;

- Không có lỗ trong 02 năm gần nhất;

- Ý kiến của tổ chức kiểm toán được chấp thuận tại báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét (trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh sau ngày 30 tháng 6) phải là chấp nhận toàn phần;

- Không đang trong quá trình tổ chức lại, giải thể, phá sản; không đang trong tình trạng đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với công ty quản lý quỹ bao gồm:

- Có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 25 tỷ đồng trở lên;

- Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ và tối thiểu 05 nhân viên cho hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh có chứng chỉ hành nghề chứng khoán và chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh;

- Đáp ứng quy định tại điểm đ, e, g, h khoản 2 Điều 4 Nghị định 158/2020/NĐ-CP.

3. Tổng hợp các văn bản nổi bật về Chứng khoán phái sinh.

1

Luật Chứng khoán 2019

Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

2

Nghị định 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh

Nghị định 158/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.

3

Thông tư 58/2021/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 58/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 27/08/2021 hướng dẫn các nội dung sau của Nghị định 158/2020/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh:

- Hoạt động giao dịch, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, bao gồm: Hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ;
 
- Hoạt động của thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

4

Thông tư 57/2021/TT-BTC quy định về lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/07/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. Trong đó, nội dung về sắp xếp lại thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh được quy định tại Điều 6 Thông tư này.

5

Quyết định 12/QĐ-HĐTV năm 2023 về Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam

Quyết định 12/QĐ-HĐTV năm 2023 có hiệu lực từ ngày 10/08/2023 ban hành "Quy chế bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam", hướng dẫn các nội dung liên quan đến hoạt động bù trừ và thanh toán tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đối với giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

6

Quyết định 14/QĐ-HĐTV năm 2023 về Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam

Quyết định 14/QĐ-HĐTV năm 2023 có hiệu lực từ ngày 10/08/2023 ban hành "Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam", quy định một số nội dung liên quan đến việc quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ cho thị trường chứng khoán phái sinh do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam quản lý.

7

Quyết định 13/QĐ-HĐTV năm 2023 về Quy chế thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam

Quyết định 13/QĐ-HĐTV năm 2023 có hiệu lực từ ngày 10/08/2023 ban hành "Quy chế thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam", hướng dẫn hoạt động đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thành viên bù trừ chứng khoán phái sinh, hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ tự nguyện, xử lý vi phạm, kiểm tra đối với thành viên bù trừ và chế độ báo cáo của thành viên bù trừ tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.19.29
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!