Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Quản lý sử dụng vốn Nhà nước thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Các văn bản hướng dẫn

Sau đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.

1. Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp

Theo Khoản 2 Điều 2 Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Căn cứ Điều 10 Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhà nước các phạm vi sau đây:

- Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội;

- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh;

- Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên;

- Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Quy định cụ thể tại tại Điều 5 Nghị định 91/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 32/2018/NĐ-CP và và như sau:

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm:

+ Dịch vụ bưu chính công ích;

+ Xuất bản (không bao gồm lĩnh vực in và phát hành xuất bản phẩm);

+ Hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo quy định của Chính phủ;

+ Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

+ Quản lý, khai thác, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; điều hành giao thông vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị;

+ Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn;

+ Bảo đảm an toàn hàng hải (không bao gồm nạo vét, duy tu luồng hàng hải công cộng);

+ Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên, bao gồm:

+ Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và quản lý lưới điện phân phối; thủy điện đa mục tiêu; điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh;

+ Sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

+ In, đúc tiền và sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng;

+ Kinh doanh xổ số;

+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, mua bán và xử lý nợ phục vụ tái cơ cấu và hỗ trợ điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô;

+ Trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Hình từ Internet)

2. Nguyên tắc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Căn cứ Điều 22 Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014:

Vốn điều lệ

1. Nguyên tắc xác định vốn điều lệ:

a) Không thấp hơn mức vốn pháp định của ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Căn cứ quy mô, công suất thiết kế đối với ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

c) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh.

2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phê duyệt vốn điều lệ và đầu tư đủ vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Nguồn đầu tư vốn điều lệ để thành lập doanh nghiệp và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp đang hoạt động từ các nguồn hình thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Được hướng dẫn cụ thể tại Điều 19 Nghị định 91/2015/NĐ-CP như sau:

- Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành lập mới mức vốn điều lệ được xác định theo nguyên tắc sau:

+ Căn cứ quy mô, công suất thiết kế đối với ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Đề án thành lập doanh nghiệp.

+ Phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Mức vốn điều lệ xác định không thấp hơn mức vốn pháp định của ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

- Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động:

+ Doanh nghiệp nhà nước khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ được xác định theo các nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định 91/2015/NĐ-CP.

+ Phương thức xác định vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 91/2015/NĐ-CP.

+ Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đầu tư bổ sung vốn điều lệ và cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định 91/2015/NĐ-CP.

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn sử dụng vốn Nhà nước thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014

Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 số 69/2014/QH13 có hiệu lực 01/07/2015 quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Một số nội dung quan trọng là hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại Điều 9, phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên tại Điều 16, phạm vi đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp tại Điều 19.

2

Nghị định 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định 23/2022/NĐ-CP có hiệu lực 01/06/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về thành lập, sắp xếp lại (không bao gồm hình thức phá sản doanh nghiệp), chuyển đổi sở hữu (không bao gồm hình thức chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần), chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Một số quy định nổi bật là điều kiện thành lập tại Điều 4, hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Điều 4, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp tại Điều 13.

3

Nghị định 159/2020/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nghị định 159/2020/NĐ-CP có hiệu lực 31/12/2020 quy định:

- Đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người giữ chức danh, chức vụ và Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Đánh giá, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn nhà nước, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Một số quy định nổi bật là trình tự, thủ tục đánh giá tại Điều 13, tiêu chí đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ tại Điều 17, trình tự, thủ tục thực hiện bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ tại Điều 30.

6

Nghị định 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước

Nghị định 10/2019/NĐ-CP có hiệu lực 15/03/2019 quy định việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Một số quy định nổi bật là quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Điều 7,  quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản, chuyển giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Điều 8.

8

Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp

Nghị định 91/2015/NĐ-CP có hiệu lực 01/12/2015 quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Một số quy định nổi bật là phương thức xác định vốn điều lệ đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động tại Điều 9, phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên tại Điều 12.

12

Thông tư 01/2022/TT-BQP quy định về quản lý người giữ chức vụ, chức danh và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý

Thông tư 01/2022/TT-BQP có hiệu lực 03/02/2022 quy định việc đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử, cử lại, cho thôi đại diện phần vốn nhà nước, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, khen thưởng, kỷ luật, chuyển ra ngoài quân đội, kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ đối với người giữ chức vụ, chức danh, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng quản lý và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu. Một số quy định nổi bật là thẩm quyền quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với Người quản lý, Kiểm soát viên, Người đại diện tại Điều 5, trình tự, thủ tục đánh giá tại Điều 9.

14

Thông tư 200/2015/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 200/2015/TT-BTC có hiệu lực 01/02/2016 hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Một số quy định nổi bật là giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước tại Điều 5, giám sát vốn của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài tại Điều 7.

15

Thông tư 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn nhà nước theo phương thức dựng sổ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 21/2019/TT-BTC có hiệu lực 03/06/2019 hướng dẫn các nội dung sau:

- Trình tự, thủ tục bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa theo phương thức dựng sổ; gắn chào bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ với đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phần đã phân phối của các đối tượng thực hiện cổ phần hóa theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

- Trình tự, thủ tục chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần theo phương thức dựng sổ của các đối tượng theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Một số quy định nổi bật là xây dựng phương án bán cổ phần lần đầu theo phương thức dựng sổ tại Điều 4, xác định kết quả dựng sổ tại Điều 10.

16

Thông tư 30/2018/TT-NHNN hướng dẫn xác định vốn nhà nước của các doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 30/2018/TT-NHNN có hiệu lực 01/03/2019 hướng dẫn việc xác định vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa là tổ chức tín dụng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần

17

Thông tư 85/2021/TT-BTC hướng dẫn nội dung về thu, nộp khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 85/2021/TT-BTC có hiệu lực  01/02/2022 quy định chi tiết việc thu, nộp vào ngân sách nhà nước:

- Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lặp các quỹ (sau đây gọi là lợi nhuận còn lại) đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

- Cổ tức và lợi nhuận được chia bằng tiền cho phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu.

Một số quy định nổi bật là thu vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Điều 3, khai, nộp và xử lý vi phạm tại Điều 6.

18

Thông tư 23/2023/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 23/2023/TT-BTC có hiệu lực 10/06/2023 quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bao gồm:

- Tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội.

- Tài sản cố định là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội quy định tại khoản 1 Điều 69, khoản 2 Điều 70 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

- Tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Một số quy định nổi bật là tiêu chuẩn tài sản cố định tại Điều 3, phân loại tài sản cố định tại Điều 4.

19

Thông tư 48/2017/TT-BQP Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng

Thông tư 48/2017/TT-BQP có hiệu lực 20/04/2011 ban hành kèm Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng.

20

Thông tư 36/2021/TT-BTC hướng dẫn nội dung về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP; 32/2018/NĐ-CP; 121/2020/NĐ-CP và 140/2020/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 36/2021/TT-BTC có hiệu lực 10/07/2021 hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2020 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ. Một số quy định nổi bật là Điều chỉnh vốn điều lệ tại Điều 2, chuyển nhượng vốn, quyền mua cổ phần, quyền góp vốn đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Điều 3.

21

Thông tư 157/2019/TT-BQP về hướng dẫn thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc được giao quản lý

Thông tư 157/2019/TT-BQP có hiệu lực 01/12/2019 hướng dẫn thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với:

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.

- Phần vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Một số quy định nổi bật là quyền, trách nhiệm của đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được giao quản lý tại Điều 6, quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên tại Điều 13.

22

Quyết định 1515/QĐ-TTg năm 2018 về Quy chế trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 1515/QĐ-TTg có hiệu lực 09/11/2018 ban hành kèm Quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.59.167
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!