Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quan trọng về Hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục

Dưới đây là những văn bản quan trọng về Hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục do THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp

1. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về giáo dục

Theo Điều 106 Luật Giáo dục 2019, nguyên tắc hợp tác quốc tế về giáo dục như sau:

Nhà nước mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế về giáo dục theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, bình đẳng và các bên cùng có lợi.

Tổng hợp văn bản quan trọng Hợp tác quốc tế về giáo dục (Hình từ internet)

2. Hợp tác về giáo dục với nước ngoài

Theo Điều 107 Luật Giáo dục, quy định hợp tác về giáo dục với nước ngoài như sau:

- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục của Việt Nam hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật theo hình thức tự túc hoặc bằng kinh phí do tổ chức, cá nhân trong nước cấp hoặc do tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ.

- Nhà nước dành ngân sách cử người đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và trình độ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về những ngành, nghề và lĩnh vực then chốt để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật; việc hợp tác về giáo dục với tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3. Hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục

Theo Điều 108 Luật Giáo dục, quy định hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục như sau:

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để giảng dạy, học tập, đầu tư, tài trợ, hợp tác, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về giáo dục tại Việt Nam; được bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Hợp tác về giáo dục với Việt Nam phải bảo đảm giáo dục người học về nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân; tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện mục tiêu giáo dục, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với mỗi cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; hoạt động giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

- Các hình thức hợp tác, đầu tư của nước ngoài về giáo dục tại Việt Nam bao gồm:

+ Liên kết giáo dục, đào tạo;

+ Thành lập văn phòng đại diện;

+ Thành lập phân hiệu;

+ Thành lập cơ sở giáo dục;

+ Các hình thức hợp tác, đầu tư khác.

4. Công nhận văn bằng nước ngoài

Theo Điều 109 Luật Giáo dục, quy định Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:

- Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước cấp bằng và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận;

- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp cho người học, được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của 02 nước cho phép mở phân hiệu hoặc thực hiện hợp tác, liên kết đào tạo và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này;

- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định về hợp tác, đầu tư về giáo dục do Chính phủ ban hành, theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ký thỏa thuận quốc tế về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng; quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng; cung cấp thông tin về cơ sở giáo dục đại học bảo đảm chất lượng được nước sở tại công nhận.

Việc công nhận văn bằng giáo dục nghề nghiệp do nước ngoài cấp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

5. Tổng hợp văn bản quan trọng về Hợp tác quốc tế lĩnh vực giáo dục

1

Luật giáo dục 2019

Luật giáo dục 2019 số 43/2019/QH14 có hiệu lực từ 01/7/2020, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Mục 2 Chương VIII Luật này quy định về Hợp tác quốc tế về giáo dục.

2

Luật giáo dục đại học 2012

Luật giáo dục đại học 2012 số 08/2012/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2013, quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Chương VI Luật này quy định về hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học.

3

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 01/07/2015. Mục 3 Chương III Luật này quy định về hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.

4

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 số 34/2018/QH14 có hiệu lực từ 01/07/2019. Tại Khoản 25 Điều 1 Luật này quy định các nội dung liên quan đến liên kết đào tạo với nước ngoài.

5

Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định 86/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/08/2018, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Tại Mục 2 Chương II Nghị định này quy định về Liên kết đào tạo với nước ngoài.

6

Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 12/12/2022, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Tại Điều 7, Điều 10, Điều 15, Điều 19 Nghị định này quy định vi phạm quy định về hoạt động liên kết đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

7

Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục

Nghị định 04/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/03/2021, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Tại Điều 19 Nghị định này quy định Vi phạm quy định về thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài.

8

Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật

Nghị định 86/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

9

Nghị định 15/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp

Nghị định 15/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/03/2019, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp. Tại Chương IV, Chương V hướng dẫn nội dung liên quan đến liên kết đào tạo với nước ngoài.

10

Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực 01/06/2021 quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam bao gồm: bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

11

Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 20/11/2020, quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

12

Thông tư 56/2012/TT-BGDĐT quy định quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thông tư 56/2012/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 15/02/2013, quy định quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm: xác định, xét chọn, thẩm định nhiệm vụ; tổ chức triển khai và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.10.75
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!