Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Hải quan hiện hành

Luật Hải quan quy định đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam

1. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan

Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan được quy định tại Điều 18 Luật Hải quan 2014, như sau:

a) Người khai hải quan có quyền:

- Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan;

- Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;

- Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;

- Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan;

- Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;

- Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan;

- Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

b) Người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải có nghĩa vụ:

- Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật Hải quan 2014

- Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;

- Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải;

- Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 32, 7980 của Luật Hải quan 2014

- Bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;

- Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Hải quan hiện hành (Hình từ Internet)

2. Thủ tục hải quan

Theo Điều 21 Luật Hải quan 2014 Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan có trách nhiệm:

- Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 24 của Luật Hải quan 2014;

- Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;

- Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Địa điểm làm thủ tục hải quan được quy định tại Điều 22 Luật Hải quan 2014, là:

- Địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.

- Địa điểm tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan là trụ sở Cục Hải quan, trụ sở Chi cục Hải quan.

- Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm:

+ Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;

+ Trụ sở Chi cục Hải quan;

+ Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

+ Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;

+ Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ;

+ Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ;

+ Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi quy hoạch, thiết kế xây dựng cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu phi thuế quan và các địa điểm khác có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh có trách nhiệm bố trí địa điểm làm thủ tục hải quan và nơi lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của Luật này.

Theo Điều 23 Luật Hải quan 2014 quy định thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan, như sau:

- Cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan ngay sau khi người khai hải quan nộp, xuất trình hồ sơ hải quan theo quy định của Luật này.

- Sau khi người khai hải quan thực hiện đầy đủ các yêu cầu để làm thủ tục hải quan quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 21 của Luật Hải quan 2014, thời hạn công chức hải quan hoàn thành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải được quy định như sau:

+ Hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 02 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hải quan;

+ Hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa chậm nhất là 08 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa cho cơ quan hải quan. Trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật có liên quan thì thời hạn hoàn thành kiểm tra thực tế hàng hóa được tính từ thời điểm nhận được kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định.

Trường hợp lô hàng có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan quyết định việc gia hạn thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày;

- Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc để bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách, phương tiện vận tải hoặc trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan và phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn hoạt động hải quan.

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Hải quan hiện hành, bao gồm:

1

Nghị định 02/2021/NĐ-CP quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan

Nghị định 02/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/03/2021 quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan.

2

Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Nghị định 128/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2020 quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

3

Nghị định 102/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập

Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 sửa đổi một số Điều Khoản của Nghị định 128/2020/NĐ-CP tại Điều 2, như là:

Bổ sung Điều 2a. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với vi phạm hành chính nhiều lần

Sửa đổi Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Điều 29. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của hải quan. Điều 34. Miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

4

Nghị định 01/2015/NĐ-CP quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Nghị định 01/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/02/2015 quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan hải quan với các cơ quan nhà nước hữu quan, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

5

Nghị định 12/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 01/2015/NĐ-CP quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Nghị định 12/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/03/2018 sửa đổi một số Điều của Nghị định 01/2015/NĐ-CP, như là: Điều 7 Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại bưu điện quốc tế, khu vực chuyển phát nhanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Điều 15 Phối hợp trong ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm và Phụ lục quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới.

6

Nghị định 08/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan

Nghị định 08/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/03/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, thông tin có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan.

7

Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan

Nghị định 59/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/06/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều khoản Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý:

- Sửa đổi quy định về Địa điểm làm thủ tục hải quan tại Khoản 2 Điều 1;

- Sửa đổi Điều 6 về Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan tại Khoản 4 Điều 1;

- Sửa đổi Điều 21 về Kiểm tra, xác định trị giá hải quan tại Khoản 9 Điều 1;

- Bổ sung quy định về Trị giá hải quan sử dụng cho Mục đích thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Khoản 10 Điều 1;

- Sửa đổi Điều 43 về Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh tại Khoản 19 Điều 1.

8

Nghị định 36/2015/NĐ-CP Quy định tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Hải quan các cấp

Nghị định 36/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/06/2015 quy định tiêu chí thành lập Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Cục Hải quan); tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của Hải quan các cấp.

Việc thành lập Cục Hải quan xuất phát từ yêu cầu hoạt động quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Phù hợp với yêu cầu của chương trình cải cách hành chính, chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đáp ứng các tiêu chí thành lập Cục Hải quan theo quy định tại Nghị định này.

- Đảm bảo đúng trình tự, thủ tục thành lập tổ chức hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật.

9

Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 33/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/07/2023 quy định hồ sơ, kiểm tra xác định trước xuất xứ; khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục, nội dung kiểm tra, xác định, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tại Điều 3 Thông tư có quy định về "Hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ"

Trước khi làm thủ tục hải quan đối với lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, tổ chức, cá nhân có đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa thì nộp bộ hồ sơ đề nghị xác định trước xuất xứ, gồm:

- Đơn đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này:  01 bản chính;

- Bảng kê khai chi phí sản xuất theo mẫu tại Phụ lục II và Bảng khai báo xuất xứ của nhà sản xuất/nhà cung cấp nguyên liệu trong nước theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này trong trường hợp nguyên liệu, vật tư đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác: 01 bản chụp;

- Quy trình sản xuất hoặc Giấy chứng nhận phân tích thành phần (nếu có): 01 bản chụp;

- Catalogue hoặc hình ảnh hàng hóa: 01 bản chụp.

10

Thông tư 31/2022/TT-BTC về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 31/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 30/12/2022 ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, bao gồm:

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam (Phụ lục I)

Sáu (6) quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa trên Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới (Phụ lục II)

11

Thông tư 12/2015/TT-BTC quy định chi tiết thủ tục cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 12/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/03/2015 quy định chi tiết thủ tục cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan. Cụ thể quy định của Thông tư này như sau:

- Chương II Cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan

- Chương III Đại lý làm thủ tục hải quan

- Chương IV Nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan

12

Thông tư 22/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 12/2015/TT-BTC hướng dẫn Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan; trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 22/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2019 sửa đổi Thông tư 12/2015/TT-BTC. Đơn cử như: Điều 3. Thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; Điều 7. Tạm dừng, chấm dứt hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và Điều 10. Thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan

13

Thông tư 203/2014/TT-BTC hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 203/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/02/2015 hướng dẫn việc xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc đối tượng giám sát hải quan được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan.

Hàng hóa tồn đọng thuộc đối tượng giám sát hải quan được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan bao gồm:

- Hàng hóa mà chủ hàng hóa tuyên bố từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ. Không thừa nhận việc chủ hàng hóa từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ đối với hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận;

- Hàng hóa do doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thu gom trong quá trình xếp dỡ hàng hóa;

- Hàng hóa nhập khẩu ngoài vận đơn, bản khai hàng hóa nhưng không có người đến nhận.

Thông tư 203/2014/TT-BTC không điều chỉnh đối với: Hàng hóa tồn đọng ngoài địa bàn hoạt động hải quan hoặc hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan nhưng không thuộc đối tượng giám sát hải quan. Hàng hóa tồn đọng là tang vật vi phạm pháp luật được xác định là buôn lậu thuộc đối tượng xử lý tịch thu sung quỹ nhà nước theo thủ tục hành chính hoặc xử lý hình sự. Hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam xử lý theo Nghị định số 46/2006/NĐ-CP ngày 16/5/2006 của Chính phủ về xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam.

14

Quyết định 1921/QĐ-TCHQ năm 2018 về quy trình phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

Ban hành kèm theo Quyết định 1921/QĐ-TCHQ năm 2018 có hiệu lực từ ngày 28/06/2018 về Quy trình phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và 03 Phụ lục kèm theo. Quy trình này quy định trình tự, thủ tục các nghiệp vụ về kiểm tra mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế tại khâu thông quan; ban hành Thông báo kết quả phân tích đối với hàng hóa phải phân tích; ban hành Thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa phải phân tích; xử lý đối với trường hợp không nhất trí với Thông báo kết quả phân tích, Thông báo kết quả phân loại; ban hành Thông báo thay thế Thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa phải phân tích; ban hành Thông báo kết quả xác định trước mã số đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; ban hành văn bản hủy Thông báo kết quả xác định trước mã số; ban hành văn bản chấm dứt hiệu lực Thông báo kết quả xác định trước mã số; ban hành văn bản trả lời kiến nghị của tổ chức, cá nhân về việc xem xét lại nội dung thông báo xác định trước mã số; kiểm tra mã số hàng hóa, mức thuế và xử lý vướng mắc về mã số hàng hóa, mức thuế trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra.

15

Công văn 778/TCHQ-GSQL năm 2017 xử lý vướng mắc thực hiện Điều 41 Luật Hải quan năm 2014 do Tổng cục Hải quan ban hành

Công văn 778/TCHQ-GSQL năm 2017 có hiệu lực từ ngày 13/02/2017 xử lý vướng mắc thực hiện Điều 41 Luật Hải quan năm 2014

16

Công văn 19046/BTC-TCHQ hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật hải quan 2014 do Bộ Tài chính ban hành

Công văn 19046/BTC-TCHQ có hiệu lực từ ngày 29/12/2014 hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật hải quan 2014 như là:

- Thời hạn nộp hồ sơ hải quan.

- Thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan.

- Về khai bổ sung.

- Về thời hạn hàng hóa gửi kho ngoại quan.

- Về kiểm tra sau thông quan

17

Thông tư liên tịch 178/2015/TTLT-BTC-BNNPTNT-BTNMT-BYT hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Y tế ban hành

Thông tư 178/2015/TTLT-BTC-BNNPTNT-BTNMT-BYT có hiệu lực từ ngày 27/12/2015 hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia theo quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với các nội dung sau:

1. Quy định danh mục các thủ tục hành chính áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia (sau đây gọi là các thủ tục hành chính một cửa) của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Quy định về quy trình khai và tiếp nhận thông tin khai, trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử; các tiêu chí, định dạng của chứng từ điện tử được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa tại khoản 1 Điều này.

3. Quy định về cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa.

4. Những vấn đề khác liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa thuộc khoản 1 Điều này được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

18

Thông tư liên tịch 89/2016/TTLT-BTC-BCT hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ Công Thương ban hành

Thông tư liên tịch 89/2016/TTLT-BTC-BCT có hiệu lực từ ngày 20/08/2016 hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia theo quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi Tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với các nội dung sau:

1. Quy định về Danh Mục các thủ tục hành chính áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia (sau đây gọi tắt là thủ tục hành chính một cửa) bao gồm: Thủ tục hành chính một cửa của Bộ Tài chính quy định tại Phụ lục I Thông tư liên tịch này và Thủ tục hành chính một cửa của Bộ Công Thương quy định tại Phụ lục II Thông tư liên tịch này.

2. Quy định về quy trình khai và tiếp nhận thông tin khai bằng phương tiện điện tử; các chứng từ điện tử được sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính một cửa tại Khoản 1 Điều này.

3. Quy định về cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin để thực hiện thủ tục hành chính một cửa quy định tại Khoản 1 Điều này giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

4. Quy định về Cổng thông tin một cửa quốc gia.

5. Những vấn đề khác liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa thuộc Khoản 1 Điều này được thực hiện theo các quy định hiện hành.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.102.163
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!