Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật mới nhất

Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là các biện pháp để bảo vệ và kiểm soát, ngăn ngừa sự lây lan của các sinh vật gây hại trong quá trình sinh trưởng của cây trồng.

1. Tổng quát về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật là hai khái niệm quan trọng trong ngành nông nghiệp, liên quan đến việc bảo vệ cây trồng và ngăn chặn sự xâm nhập của dịch hại, bệnh tật. Tuy nhiên, mỗi khái niệm có phạm vi và mục tiêu riêng biệt.

a) Bảo vệ thực vật

Bảo vệ thực vật là một lĩnh vực nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ cây trồng khỏi các tác nhân gây hại như sâu bệnh, cỏ dại, nấm, vi khuẩn, virus và các yếu tố môi trường bất lợi. Mục tiêu của bảo vệ thực vật là đảm bảo sản lượng cây trồng ổn định, bảo vệ sức khỏe cây trồng và giảm thiểu tác động tiêu cực của sâu bệnh đối với nông sản.

Các biện pháp bảo vệ thực vật bao gồm:

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ).

- Biện pháp canh tác như luân canh, sử dụng giống cây trồng kháng bệnh, hoặc áp dụng các phương pháp sinh học như sử dụng thiên địch (sâu ăn sâu, vi khuẩn đối kháng).

- Kiểm soát và quản lý dịch hại thông qua giám sát thường xuyên và xử lý kịp thời.

b) Kiểm dịch thực vật

Kiểm dịch thực vật là quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát sự xâm nhập của các loài sâu bệnh, cỏ dại và các tác nhân gây hại khác từ bên ngoài vào quốc gia hoặc khu vực, nhằm bảo vệ hệ sinh thái, sản phẩm nông sản và sức khỏe con người.

Kiểm dịch thực vật bao gồm các hoạt động:

- Kiểm tra thực vật, hạt giống, sản phẩm nông sản nhập khẩu để phát hiện sâu bệnh, vi khuẩn, virus hoặc các loài ngoại lai gây hại.

- Khử trùng hoặc tiêu hủy những lô hàng không đạt yêu cầu kiểm dịch.

- Giám sát và kiểm tra dịch hại trong quá trình vận chuyển hàng hóa quốc tế để ngăn ngừa sự lây lan của các loài gây hại mới.

Sự khác biệt giữa bảo vệ và kiểm dịch thực vật: Bảo vệ thực vật chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ cây trồng trong nước khỏi các tác nhân gây hại. Kiểm dịch thực vật là một biện pháp phòng ngừa đối với sự xâm nhập của dịch hại từ bên ngoài vào quốc gia hoặc khu vực. Tuy nhiên Cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hệ thống văn bản hướng dẫn về Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Hình từ Internet)

2. Hành vi bị cấm trong Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Theo Điều 13 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 có quy định các hành vi bị cấm trong bảo vệ và kiểm dịch thực vật như sau:

- Sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật trái quy định của Luật này.

- Không áp dụng hoặc cố ý áp dụng không đúng các biện pháp chống dịch.

- Nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại hoặc sử dụng giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại trong Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật, Danh mục đối tượng phải kiểm soát mà chưa được xử lý.

- Phát tán sinh vật gây hại.

- Đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này.

- Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

- Sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định của Luật này.

3. Các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1

Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Nghị định 31/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/06/2016 quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Các hành vi vi phạm hành chính về giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về giống cây trồng (Chương II) và Vi phạm quy định về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật (Chương III).

2

Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y

Nghị định 04/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/02/2020 sửa đổi Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Sửa đổi Điều 2 Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính và sửa đổi một số khoản của Điều 19, 24 và Điều 25 của Nghị định 31/2016/NĐ-CP.

3

Nghị định 07/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi

Nghị định 07/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2022 sửa đổi, bổ sung Điều 5a Thi hành biện pháp khắc phục hậu quả và các Điều, khoản thuộc Chương IV về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính.

4

Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt

Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/07/2023 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt. Trọng tâm của Nghị định này là Chương II quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về trồng trọt (trừ phân bón). Đơn cử như:

Điều 10. Vi phạm quy định về sản xuất giống cây trồng

Điều 14. Vi phạm quy định về xuất khẩu giống cây trồng

Điều 17. Vi phạm quy định về quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng

Điều 18. Vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ, tác giả giống cây trồng

5

Nghị định 116/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Nghị định 116/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 18/01/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 9, Điều 17, Điều 21 và Điều 35 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật về cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật; công bố dịch hại thực vật; kinh phí chống dịch; tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

6

Thông tư 36/2014/TT-BNNPTNT về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 36/2014/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Quy trình phân tích nguy cơ dịch hại được quy định chi tiết từ Điều 5 đến Điều 9 Thông tư này.

7

Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định về trình tự, thủ tục và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu và quá cảnh đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu.

Trường hợp Việt Nam ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về kiểm dịch thực vật có quy định khác thì việc kiểm dịch thực vật thực hiện theo điều ước quốc tế đó. Lưu ý các quy định sau:

Điều 7 quy định về trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu; Điều 10 quy định về trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu; Điều 12 quy định về trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh và Điều 16 quy định quy trình kiểm tra sau nhập khẩu trong khu cách ly.

8

Thông tư 30/2015/TT-BNNPTNT Quy định về trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và thẻ công chức kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 30/2015/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 23/10/2015 quy định về trang phục, phù hiệu, biển hiệu, thẻ công chức kiểm dịch thực vật và chế độ cấp phát, sử dụng. Quy định trong thông tư này áp dụng đối với công chức làm công tác kiểm dịch thực vật có chức danh theo tiêu chuẩn và lãnh đạo kiêm nhiệm các chức danh đó. Chú ý tại Thông tư này gồm các Điều sau:

Từ Điều 4 đến Điều 9 quy định về trang phục kiểm dịch thực vật

Điều 11 quy định phù hiệu kiểm dịch thực vật

Điều 14 quy định biển hiệu kiểm dịch thực vật

Điều 15 quy định thẻ công chức kiểm dịch thực vật

9

Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/08/2015 quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật bao gồm: đăng ký; khảo nghiệm; sản xuất, buôn bán; xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chất lượng; chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy; bảo quản, vận chuyển; sử dụng; ghi nhãn; bao gói; quảng cáo; thu hồi, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam.

Chú ý quy định tại Điều 6 Các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép đăng ký ở Việt Nam, như:

Thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam

Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu.

Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường

Thuốc bảo vệ thực vật trùng tên thương phẩm với tên hoạt chất hoặc tên thương phẩm của thuốc bảo vệ thực vật khác trong Danh mục

Thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất methyl bromide

Thuốc bảo vệ thực vật đăng ký để phòng trừ các loài sinh vật không phải là sinh vật gây hại thực vật ở Việt Nam

Thuốc bảo vệ thực vật được sáng chế ở nước ngoài nhưng chưa được phép sử dụng ở nước ngoài

10

Thông tư 05/2015/TT-BNNPTNT Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 05/2015/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 30/03/2015 quy định chi tiết điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Trong đó: Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề quy định tại Điều 5; Điều 6 quy định về trình tự và thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề và Điều 8 quy định trình tự, thủ tục cấp Thẻ hành nghề.

11

Thông tư 14/2024/TT-BNNPTNT về Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 14/2024/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 15/12/2024 quy định về Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 của Thông tư.

12

Thông tư 09/2023/TT-BNNPTNT về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 09/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 08/12/2023 quy định về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam (phụ lục I) và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam (phụ lục II).

13

Thông tư 04/2023/TT-BNNPTNT về Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 04/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 29/09/2023 quy định về Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

14

Thông tư 33/2021/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 33/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/07/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong hoạt động kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và bảo vệ thực vật thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó chú ý Điều 5 Các trường hợp được miễn phí kiểm dịch thực vật, như sau:

- Kiểm dịch lô hàng giống dùng cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường hợp khối lượng: Nhỏ hơn hoặc bằng 01 kg (hạt giống), nhỏ hơn hoặc bằng 10 cá thể (cành ghép, mắt ghép, hom giống, củ giống) đối với 01 chủng loại giống cho 01 lần nhập khẩu, xuất khẩu.

- Kiểm dịch sản phẩm thực vật xách tay nhập khẩu để sử dụng trong thời gian đi đường.

- Kiểm dịch thực vật theo nghi thức ngoại giao khi xuất cảnh, nhập cảnh.

- Kiểm dịch thực vật phục vụ các sự kiện của quốc gia.

- Kiểm dịch thực vật làm quà tặng của Nguyên thủ quốc gia.

- Kiểm dịch thực vật xuất khẩu vào các thị trường mới mở.

15

Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT quy định về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nguồn gen cây trồng; nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nhập khẩu vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định:

- Hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu một số hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm:

+ Xuất khẩu giống cây trồng nông nghiệp có trong Danh mục giống cây trồng cấm xuất khẩu để phục vụ nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, hội chợ, triển lãm, làm quà tặng;

+ Nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử, hợp tác quốc tế, làm mẫu tham gia triển lãm, làm quà tặng hoặc để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư (trừ trường hợp giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh nhưng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng nông nghiệp mới);

+ Nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp chưa có trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh để nghiên cứu, khảo nghiệm, trồng sản xuất thử nghiệm, làm cây cảnh, cây bóng mát, hợp tác quốc tế, làm mẫu tham gia triển lãm, làm quà tặng hoặc để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư (trừ trường hợp giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh nhưng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng lâm nghiệp mới);

+ Xuất khẩu giống vật nuôi có trong Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu để phục vụ nghiên cứu khoa học và các mục đích đặc biệt khác;

+ Nhập khẩu tinh, phôi của giống vật nuôi lần đầu vào Việt Nam; nhập khẩu giống vật nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh để khảo nghiệm, nghiên cứu và các mục đích đặc biệt khác (trừ trường hợp giống vật nuôi chưa có trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh nhưng đã có kết quả khảo nghiệm được cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận);

+ Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;

+ Nhập khẩu vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.

- Xuất khẩu, nhập khẩu nguồn gen cây trồng phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học kỹ thuật.

- Xuất khẩu giống cây trồng lâm nghiệp.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.202.60
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!