Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Văn bản pháp luật về Chính sách dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Chính sách dân tộc thiểu số là tập hợp các biện pháp và quy định của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các cộng đồng dân tộc thiểu số.

1. Các chính sách Dân tộc thiểu số

Theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP chính sách dân tộc gồm các chính sách sau:

Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực;

Chính sách đầu tư phát triển bền vững;

Chính sách phát triển giáo dục và đào tạo;

Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số;

Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số;

Chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa;

Chính sách phát triển thể dục, thể thao vùng dân tộc thiểu số;

Chính sách phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số;

Chính sách y tế, dân số;

Chính sách thông tin - truyền thông;

Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý;

Chính sách bảo vệ môi trường, sinh thái;

Chính sách quốc phòng, an ninh.

Những văn bản pháp luật về Chính sách dân tộc thiểu số tại Việt Nam (Hình từ Internet)

2. Các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc

* Nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc

Theo Điều 3 Nghị định 05/2011/NĐ-CP quy định các nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc, như sau:

Thực hiện chính sách dân tộc theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc.

Các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

* Mục tiêu của chính sách này thường bao gồm

Bình đẳng về quyền lợi: Đảm bảo các dân tộc thiểu số có quyền bình đẳng với các dân tộc khác trong việc tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ.

Phát triển kinh tế: Hỗ trợ phát triển kinh tế cho các khu vực có dân tộc thiểu số, thông qua các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm và hỗ trợ tài chính.

Bảo tồn văn hóa: Khuyến khích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ngôn ngữ và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số.

Giáo dục và đào tạo: Tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận giáo dục, bao gồm cả việc dạy tiếng mẹ đẻ và các chương trình học phù hợp với văn hóa của họ.

Tham gia quản lý: Khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội và quản lý nhà nước tại địa phương.

3. Những văn bản pháp luật về Chính sách dân tộc thiểu số tại Việt Nam

1

Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc

Nghị định 05/2011/NĐ-CP có hiệu lực ngày 04/03/2011 quy định các hoạt động về công tác dân tộc nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2

Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định về chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số

Nghị định 141/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 23/01/2021 quy định chế độ cử tuyển đối với người học là người dân tộc thiểu số, bao gồm: đối tượng, tiêu chuẩn, chỉ tiêu, quy trình, đào tạo và kinh phí thực hiện chế độ cử tuyển; xét tuyển, bố trí việc làm, bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người học cử tuyển và tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển. Cụ thể Chương II quy định về tiêu chuẩn, chỉ tiêu, quy trình, đào tạo và kinh phí thực hiện chế độ cử tuyển và Chương III quy định về xét tuyển, bố trí việc làm và bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

3

Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người

Nghị định 57/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/07/2017 quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người đang học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Điều 3 quy định về chính sách ưu tiên tuyển sinh và Điều 4 quy định về chính sách hỗ trợ học tập như sau:

- Trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số rất ít người học tại các cơ sở giáo dục mầm non được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 30% mức lương cơ sở/trẻ/tháng.
 
- Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 40% mức lương cơ sở/học sinh/tháng.
 
- Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú hoặc là học sinh bán trú học tại trường phổ thông công lập có học sinh bán trú được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 60% mức lương cơ sở/học sinh/tháng.
 
- Học sinh dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 100% mức lương cơ sở/học sinh/tháng.
 
- Học sinh sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng mức hỗ trợ học tập bằng 100% mức lương cơ sở/người/tháng.

4

Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 23/01/2024 quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho tr em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, bao gồm: Nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu s trước khi vào lớp Một; tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu s trước khi vào lớp Một; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chú ý:

Điều 5 quy định về nội dung dạy và học tiếng Việt

1. Chuẩn bị tâm thế vào lớp Một.

2. Hình thành các kĩ năng học tập cơ bản.

3. Hình thành và phát triển năng lực nghe, nói.

4. Hình thành và phát triển năng lực đọc.

5. Hình thành và phát triển năng lực viết.

5

Thông tư 12/2014/TT-BVHTTDL hướng dẫn Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Thông tư 12/2014/TT-BVHTTDL có hiệu lực ngày 25/11/2014 quy định chi tiết thi hành chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa, chính sách phát triển thể dục, thể thao và chính sách phát triển du lịch theo quy định tại Điều 13, 14 và 15 của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc.

6

Quyết định 66/2013/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại cơ sở giáo dục đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 66/2013/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 01/01/2014 quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng. Nổi bật Điều 2 quy định mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên.

7

Quyết định 1974/QÐ-BVHTTDL thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Quyết định 1974/QÐ-BVHTTDL có hiệu lực ngày 21/07/2023 thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” năm 2023. Nhằm mục đích:

- Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả; hình thành thói quen, nhu cầu phát triển, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi.

- Thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng, tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

8

Quyết định 2415/QĐ-BYT năm 2022 hướng dẫn thực hiện Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Quyết định 2415/QĐ-BYT năm 2022 có hiệu lực ngày 05/09/2022 hướng dẫn thực hiện Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Nhằm mục đích tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

9

Quyết định 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 12/2018/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 24/04/2018 quy định về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước. Trong đó: Điều 4 quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín và Điều 5 quy định về chế độ, chính sách đối với người có uy tín.

10

Quyết định 3875/QĐ-BVHTTDL năm 2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Tổ chức 01 đến 02 cuộc thi, cuộc phát động sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên phạm vi khu vực hoặc toàn quốc; tổ chức 01 đến 02 hội thảo khoa học về công tác sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cấp khu vực hoặc toàn quốc là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 3875/QĐ-BVHTTDL năm 2022 có hiệu lực từ ngày 30/12/2022.

11

Thông tư liên tịch 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 66/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính ban hành

Thông tư liên tịch 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC có hiệu lực ngày 28/11/2014 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng. Cụ thể văn bản quy định tại Điều 2 về điều kiện được hưởng chính sách; Điều 3 về mức hỗ trợ; Điều 4 về trình tự, thủ tục và hồ sơ và Điều 6 quy định về dừng cấp kinh phí hỗ trợ chi phí học tập.

12

Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-BNV-UBDT hướng dẫn thi hành chính sách cán bộ, công, viên chức người dân tộc thiểu số quy định tại Điều 11 Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc do Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Ủy ban Dân tộc ban hành

Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-BNV-UBDT có hiệu lực ngày 01/11/2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; ở xã, phường, thị trấn. Trong đó:

Điều 4 Quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Điều 5 Quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của Ủy ban Dân tộc;

Điều 6 Quy định tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số;

Điều 8 Quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm công chức, viên chức người dân tộc thiểu số vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.242.39
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!