Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tất tần tật các văn bản về Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại (franchise) là một hoạt động thương mại đang ngày càng phổ biển. Chủ đề này tổng hợp các văn bản pháp luật về nhượng quyền thương mại.

1. Nhượng quyền thương mại là gì?

Căn cứ Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại được định nghĩa như sau:

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

Về điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân được cấp phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm (Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP).

Tổng hợp các văn bản về nhượng quyền thương mại (Hình từ Internet)

2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong nhượng quyền thương mại

Theo Điều 286, 287 Luật Thương mại 2005, quyền và nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền được quy định như sau:

-  Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các quyền sau đây:

+ Nhận tiền nhượng quyền;

+ Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại;

+ Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ.

- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:

+ Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;

+ Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;

+ Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;

+ Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;

+ Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

Theo Điều 288, Điều 289 Luật Thương mại 2005, quyền và nghĩa vụ của thương nhân nhận quyền được quy định như sau:

- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:

+ Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;

+ Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.

- Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:

+ Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

+ Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;

+ Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;

+ Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;

+ Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;

+ Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;

+ Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.

3. Tổng hợp các văn bản pháp luật về Nhượng quyền thương mại

1

Luật Thương mại 2005

Luật Thương mại 2005 có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 quy định về hoạt động thương mại. Trong đó, nhượng quyền thương mại được quy định tại Mục 8 Chương VI của Luật này.

2

Nghị định 35/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại

Nghị định 35/2006/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/04/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3

Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương

Nghị định 08/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Trong đó, quy định về lĩnh vực nhượng quyền thương mại được sửa đổi tại Chương IV Nghị định này.

4

Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, hành vi vi phạm về kinh doanh nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 75 Nghị định này.

5

Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi thủ tục hành chính tại Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại

Nghị định 120/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2012 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại. Trong đó, Điều 3 của Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại.

6

Thông tư 03/2024/TT-BCT sửa đổi Thông tư trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, văn phòng đại diện và chi nhánh của thương nhân nước ngoài, hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Thông tư 03/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 18/03/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, văn phòng đại diện và chi nhánh của thương nhân nước ngoài, hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

7

Thông tư 04/2016/TT-BCT sửa đổi một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực

Thông tư 04/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 20/07/2016 sửa đổi, bổ sung một số Thông tư về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực. Tại Điều 6 Thông tư này sửa đổi bổ sung quy định về hình thức bản sao tại Thông tư số 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

8

Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại do Bộ Thương mại ban hành

Thông tư 09/2006/TT-BTM có hiệu lực từ ngày 22/06/2006 quy định về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, với các nội dung chủ yếu về cơ quan đăng ký, thủ tục đăng ký, thông báo thay đổi thông tin đăng ký và xóa đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.67.8
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!