Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Toàn bộ văn bản hướng dẫn Hợp đồng bảo hiểm mới nhất

Hợp đồng bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ; Hợp đồng Bảo hiểm sức khỏe; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm. Dưới đây là tổng hợp các văn bản hướng dẫn cụ thể về hợp đồng bảo hiểm.

1. Hợp đồng bảo hiểm là gì? 

Khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung chính của Hợp đồng bảo hiểm

Theo Khoản 1 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chính sau:

Nội dung của hợp đồng bảo hiểm

1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

b) Đối tượng bảo hiểm;

c) Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;

d) Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

đ) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;

e) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;

g) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;

h) Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

i) Phương thức giải quyết tranh chấp.

Các nội dung trên được cụ thể hóa cho từng loại hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Mục 2, 3, 4 Chương II Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm (chi tiết xem tại Mục 4).

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Hợp đồng bảo hiểm (Hình từ Internet)

3. Các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau:

- Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

- Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

- Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

- Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo;

- Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;

- Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;

- Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;

- Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

- Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn Hợp đồng bảo hiểm

1

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Nội dung về hợp đồng bảo hiểm được quy định cụ thể tại Chương II Luật này.

2

Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Nghị định 67/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 06/09/2023.

Một số nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm như:

- Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận về việc mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bổ sung tương ứng phù hợp với quy định pháp luật (Khoản 3 Điều 4).

- Các trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Điều 11).

- Các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng (Điều 35).

3

Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm

Nghị định 46/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.

Chú ý các nội dung sau về Hợp đồng bảo hiểm:

- Chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm (Điều 34);

- Nội dung chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Điều 94);

- Hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Điều 95);

- Phí bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, hợp đồng bảo hiểm hưu trí (Điều 98);

- Quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư (Điều 102).

4

Nghị định 21/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm vi mô

Nghị định 21/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/05/2023 quy định về sản phẩm bảo hiểm vi mô; thành lập và hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

Một số nội dung về Hợp đồng bào hiểm cần lưu ý:

- Nội dung hợp đồng bảo hiểm vi mô (Điều 29);

- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô (Điều 30);

- Quyền và nghĩa vụ của thành viên tham gia bảo hiểm vi mô (Điều 31);

- Dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm (Điều 38).

5

Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp

Nghị định 58/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/06/2018 quy định về bảo hiểm nông nghiệp và chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.

Chú ý các nội dung sau về  Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp:

- Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp (Điều 6);

- Bồi thường bảo hiểm nông nghiệp (Điều 9);

- Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp (Điều 12);

- Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp (Điều 13);

- Phương thức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp (Điều 25);

- Hồ sơ, trình tự, thủ tục chi trả phí bảo hiểm nông nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (Điều 26);

- Chấm dứt việc hưởng hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp (Điều 27);

- Hợp đồng bảo hiểm triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (Điều 32).

6

Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 67/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 02/11/2023.

Nội dung đáng chú ý liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm:

- Quy định về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe (Chương III);

- Hoạt động nghiệp vụ, dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô (Mục 2, 3 Chương IV);

- Hoạt động đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm (Chương V).

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.14.250.255
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!