Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quy định về thức ăn chăn nuôi mới nhất 2024

Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.

1. Thức ăn chăn nuôi là gì? Có những loại thức ăn chăn nuôi nào?

Căn cứ Khoản 25 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 có quy định về khái niệm thức ăn chăn nuôi, theo đó thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.

Như vậy, qua khái niệm của thức ăn chăn nuôi, có thể thấy thức ăn chăn nuôi được chia ra thành 04 loại: thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống

Căn cứ tiếp Khoản 26, Khoản 27 và Khoản 28 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì khái niệm của thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống được quy định cụ thể như sau:

- Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn được phối chế, có đủ chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất mà không cần thêm thức ăn khác ngoài nước uống.

- Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu của vật nuôi và dùng để phối chế với nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.

- Thức ăn bổ sung là nguyên liệu đơn hoặc hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi.

- Thức ăn truyền thống là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến được sử dụng phổ biến theo tập quán trong chăn nuôi bao gồm thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và loại sản phẩm tương tự khác.

Tổng hợp văn bản quy định về thức ăn chăn nuôi mới nhất 2024 (Hình từ Internet)

2. Sản xuất thức ăn chăn nuôi cần đáp ứng những điều kiện gì?

Căn cứ Điều 38 Luật Chăn nuôi 2018 thì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định cụ thể như sau:

- Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng, cần phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Địa điểm cơ sở sản xuất không nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;

+ Thiết kế khu sản xuất, bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, bảo đảm tách biệt giữa các khu sản xuất để tránh nhiễm chéo;

+ Có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi;

+ Có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp;

+ Có biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn để không ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi;

+ Có trang thiết bị, dụng cụ đo lường được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định;

+ Có hoặc thuê phòng thử nghiệm để phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất;

+ Người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch;

+ Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh và thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh;

+ Có biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ, cần phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, i và k khoản 1 Điều 38 Luật Chăn nuôi 2018, trừ trường hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi tiêu thụ nội bộ sử dụng trong chăn nuôi nông hộ.

3. Danh sách các văn bản hướng dẫn liên quan đến thức ăn chăn nuôi mới nhất 2024

1

Luật Chăn nuôi 2018

Luật Chăn nuôi 2018 số 32/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Trong đó, Chương I Luật này quy định chung hoạt động chăn nuôi, Chương III quy định về thức ăn chăn nuôi, với một số nội dung đáng chú ý như là quy định yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường tại Điều 32, quy định về điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Điều 38, quy định về điều kiện mua bán thức ăn chăn nuôi tại Điều 40.

2

Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi

Nghị định 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/03/2020 hướng dẫn chi tiết khoản 4 Điều 14, khoản 3 Điều 19, khoản 3 Điều 38, khoản 4 Điều 39, khoản 5 Điều 41, khoản 8 Điều 43, khoản 5 Điều 45, khoản 2 Điều 52, khoản 4 Điều 53, khoản 4 Điều 58, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 63, khoản 4 Điều 64, khoản 3 Điều 67, khoản 2 Điều 68, khoản 5 Điều 78 Luật Chăn nuôi.

Trong đó, nội dung về thức ăn chăn nuôi được quy định tại Chương III Nghị định này, với một số nội dung đáng chú ý như là:

- Quy định về điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Điều 9;

- Quy định về đánh giá điều kiện thực tế sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Điều 11;

- Quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất và lưu hành trong nước tại Điều 17;

- Quy định về xử lý thức ăn chăn nuôi vi phạm chất lượng tại Điều 20.

3

Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi

Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/04/2021 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Trong đó, Mục 2 Chương II Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm quy định về thức ăn chăn nuôi, với một số nội dung đáng chú ý như là:

- Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Điều 14;

- Vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi tại Điều 18;

- Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Điều 23.

4

Nghị định 46/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi

Nghị định 46/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/07/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi.

Trong đó, Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến quy định về thức ăn chăn nuôi như là:

- Sửa đổi một số khoản của Điều 9 về điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khoản 4 Điều 1;

- Sửa đổi một số khoản của Điều 11 về đánh giá điều kiện thực tế sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khoản 6 Điều 1;

- Sửa đổi một số khoản của Điều 18 về kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tại Khoản 9 Điều 1;

- Bổ sung Điều 18a quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tại Khoản 10 Điều 1.

5

Nghị định 106/2024/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Nghị định 106/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/09/2024 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bao gồm: sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu sản xuất trong nước, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi bao gồm: hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn, hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao, hỗ trợ mua gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ và khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.

Trong đó, một số nội dung đáng chú ý liên quan đến thức ăn chăn nuôi tại Nghị định này có thể kể đến như là quy định về Hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Điều 5, hay quy định về hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi tại Điều 6.

6

Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT quy định về việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 20/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 07/01/2020 quy định chi tiết việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Chăn nuôi.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi tại Chương II. Trong đó, nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về thức ăn chăn nuôi được quy định cụ thể tại Điều 4; ngoài ra Điều 5 Thông tư này quy định về cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến, thị trường sản phẩm chăn nuôi.

7

Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 14/01/2020 hướng dẫn một số nội dung quy định tại khoản 4 Điều 37, khoản 2 Điều 46, điểm d khoản 2 Điều 48, điểm c khoản 2 Điều 79 của Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi, bao gồm: chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi bắt buộc phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng; ghi nhãn thức ăn chăn nuôi; báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi; danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Trong đó, nội dung về ghi nhãn thức ăn chăn nuôi được quy định tại Điều 4, nội dung báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi được quy định tại Điều 5, danh mục hóa chất, sản phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi được quy định tại Điều 6.

8

Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 31/2022/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 20/02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn Luật Chăn nuôi về thức ăn chăn nuôi.

Trong đó, Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT quy định về ghi nhãn thức ăn chăn nuôi tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1; sửa đổi, bổ sung Điều 5 Thông tư 21/2019/TT-BNNPTNT quy định về báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khoản 3 Điều 1. Bên cạnh đó, Thông tư này còn sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số nội dung, Phụ lục của Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT tại Điều 2.

9

Thông tư 04/2020/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 04/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Thức ăn chăn nuôi - Hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản. Ký hiệu: QCVN 01 - 190: 2020/BNNPTNT.

 

10

Thông tư 27/2016/TT-BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 27/2016/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 26/01/2017 ban hành 01 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, cụ thể là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Thức ăn chăn nuôi - Quy định giới hạn tối đa cho phép hàm lượng độc tố nấm mốc, kim loại nặng và vi sinh vật trong thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm. Ký hiệu: QCVN 01 - 183:2016/BNNPTNT.

11

Thông tư 05/2021/TT-BNNPTNT sửa đổi 1:2021 QCVN 01-190:2020/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi - Hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Thông tư 05/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 01/07/2021 sửa đổi 1:2021 QCVN 01-190:2020/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi - hàm lượng tối đa cho phép các chỉ tiêu an toàn trong thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản.

12

Thông tư 225/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 225/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về người nộp phí tại Điều 2, quy định về mức thu phí tại Điều 4, hay quy định về kê khai, thu, nộp phí tại Điều 5.

13

Thông tư 78/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 225/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 78/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 08/10/2018 sửa đổi một số điều của Thông tư 225/2016/TT-BTC.

Trong đó, Thông tư này sửa đổi quy định về người nộp phí thẩm định cấp giấy phép chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi tại Điều 1, và sửa đổi quy định về mức thu phí tại Điều 2.

14

Quyết định 2488/QĐ-BNN-CN năm 2024 về Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030

Quyết định 2488/QĐ-BNN-CN có hiệu lực từ ngày 19/07/2024, Quyết định này ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.189.164
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!