Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn về vấn đề “Hòa giải”

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hoà giải để hỗ trợ các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ thanh chấp.

1. Các lĩnh vực hòa giải theo pháp luật hiện hành

a. Hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở được quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013

Theo Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật”

Căn cứ tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, bao gồm: Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải. Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.

b. Hòa giải trong tố tụng dân sự

Hòa giải trong tố tụng dân sự được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, áp dụng đối với các trường hợp giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình.

Theo Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn”.

Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây: Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình. Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

c. Hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã là một thủ tục bắt buộc được quy định tại Điều 235 Luật Đất đai 2024, như sau:

- Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật.

- Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật Đất đai 2024, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

d. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật

Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật

Theo Điều 20 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thì:

- Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

- Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.

e) Hòa giải thương mại

Hòa giải thương mại được điều chỉnh bởi Nghị định số 22/2017/NĐ-CP

Theo Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định”

Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại: tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

Thủ tục hòa giải chấm dứt trong các trường hợp sau đây: khi các bên đạt được kết quả hòa giải thành; khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên; theo đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp.

2. Nguyên tắc trong các lĩnh vực hòa giải

- Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình

- Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

- Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên quá trình hòa giải

3. Hệ thống các văn bản hướng dẫn về Hòa giải

Tổng hợp các văn bản hướng dẫn về Hòa giải theo pháp luật mới nhất:

1

Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013

Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 số hiệu 35/2013/QH13 có hiệu lực ngày 01/01/2014 quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hoạt động hòa giải của tòa án, trọng tài, hòa giải thương mại, hòa giải lao động và hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn  không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013.

Theo Điều 16 thì Căn cứ tiến hành hòa giải như sau:

- Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

- Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

- Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sau khi hòa giải xong nếu hòa giải thành được thực hiện theo Điều 24 còn nếu hòa giải không thành sẽ thực hiện tại Điều 27.

2

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Bộ luật tố tụng dân sự số hiệu 92/2015/QH13 có hiệu lực 01/07/2016 quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án dân sự và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc dân sự; trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Đặc biệt chú ý là Chương XIII có các quy định về thủ tục hòa giải như Điều 205 Nguyên tắc tiến hành hòa giải, Điều 206 Những vụ án dân sự không được hòa giải, Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được. Và Chương XXXIII quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.

3

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 số hiệu 58/2020/QH14 có hiệu lực ngày 01/01/2021 quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Lưu ý Điều 8 quy định về Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Điều 9 quy định về Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

4

Luật Đất đai 2024

Luật Đất đai 2024 số hiệu 31/2024/QH15 có hiệu lực ngày 01/08/2024 quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chú ý ở Điều 235 quy định về Hòa giải tranh chấp đất đai

5

Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại

Nghị định 22/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/04/2017 quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại.

Việc các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị định  22/2017/NĐ-CP làm trung gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

Theo Điều 6 thì Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại: Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

6

Nghị định 16/2021/NĐ-CP quy định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thù lao Hòa giải viên tại Tòa án

Nghị định 16/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 03/03/2021 quy định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thù lao Hòa giải viên tại Tòa án theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

7

Nghị định 15/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật hòa giải ở cơ sở

Nghị định 15/2014/NĐ-CP có hiệu lực ngày 25/04/2014 quy định chi tiết về phạm vi hòa giải ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên và một số biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở. Nổi bật là phạm vi hòa giải được hướng dẫn cụ thể tại (chương 2), hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải (chương 4)

8

Thông tư 92/2020/TT-BTC về quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 92/2020/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/01/2021 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

9

Thông tư 04/2020/TT-TANDTC hướng dẫn về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ hòa giải viên do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Thông tư 04/2020/TT-TANDTC có hiệu lực ngày 01/01/2021 quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm; khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên tại Tòa án theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Về quy trình bổ nhiệm Hòa giải viên được quy định cụ thể tại Điều 6, Bổ nhiệm lại quy định ở Điều 8 và miễn nhiệm tại Điều 10.

10

Thông tư 03/2020/TT-TANDTC hướng dẫn về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định hòa giải viên do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Thông tư 03/2020/TT-TANDTC có hiệu lực ngày 01/01/2021 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

11

Thông tư 02/2020/TT-TANDTC hướng dẫn về trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Thông tư 02/2020/TT-TANDTC có hiệu lực ngày 01/01/2021 quy định chi tiết về trách nhiệm của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao (Điều 2), Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Điều 3) và Tòa án nhân dân cấp huyện (Điều 4) trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngoài ra còn có Trách nhiệm của Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại quy định tại Điều 5)

12

Thông tư 01/2023/TT-TANDTC hướng dẫn điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Thông tư 01/2023/TT-TANDTC có hiệu lực ngày 25/04/2023 quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

13

Thông tư 02/2018/TT-BTP về hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 02/2018/TT-BTP có hiệu lực ngày 20/04/2018 ban hành và hướng dẫn sử dụng một số biểu mẫu về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại.

14

Nghị quyết liên tịch 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở do Chính phủ - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

Nghị quyết liên tịch 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN có hiệu lực ngày 10/01/2015 hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở và tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

15

Quyết định 4077/QĐ-BTP năm 2014 ban hành chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho hòa giải viên do Bộ Tư pháp ban hành

Quyết định 4077/QĐ-BTP năm 2014 có hiệu lực ngày 31/12/2014 ban hành chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cơ sở cho hòa giải viên bao gồm các chuyên đề bồi dưỡng như sau:

Chuyên đề 1: Nội dung cơ bản của pháp luật về hòa giải ở cở

Chuyên đề 2: Kiến thức pháp luật dành cho hòa giải viên ở cơ sở

Chuyên đề 3: Nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở

16

Công văn 55/TANDTC-PC năm 2018 về tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Công văn 55/TANDTC-PC năm 2018 có hiệu lực ngày 20/03/2018 quy định về Nguyên tắc chung về xác định hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; Cách tính vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.142.70
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!