Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách văn bản quy định về Công chứng cần biết

Công chứng là một hoạt động bổ trợ tư pháp diễn ra thường nhật, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin, văn bản pháp luật liên quan đến Công chứng

1. Công chứng là gì?

Theo quy định tại Khoàn 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014, Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Trong đó:

- Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật công chứng, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.

- Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Danh sách văn bản quy định về Công chứng cần biết (Hình từ internet)

2. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng

- Văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật công chứng .

- Giá trị pháp lý của văn bản công chứng được quy định tại Điều 5 Luật công chứng 2014 như sau:

Giá trị pháp lý của văn bản công chứng

1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch.

3. Địa điểm công chứng

Địa điểm công chứng được quy định tại Điều 44 Luật công chứng 2014 như sau:

- Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

- Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp:

+ Người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù;

+ Người yêu cầu công chứng có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

4. Phí công chứng

Điều 66 Luật Công chứng 2014 quy định về phí công chứng như sau:

- Phí công chứng bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng.

Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.

- Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật (cụ thể tại Thông tư 257/2016/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 111/2017/TT-BTC).

5. Văn bản pháp luật quy định về Công chứng

1

Luật Công chứng 2014

Luật Công chứng 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Công chứng viên là có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014. Bên cạnh đó, Điều 20 và Điều 23 cũng quy định về việc thành lập Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng.

2

Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Công chứng

Nghị định 29/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2015. Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Công chứng về chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng tại mục 1 Chương II; hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng Văn phòng công chứng tại mục 2 Chương II ; chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng; niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản tại mục 3 Chương II; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên tại Chương III.

3

Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2020. Mục 3 Chương II Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động công chứng.

4

Thông tư 01/2021/TT-BTP hướng dẫn Luật Công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 01/2021/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 26/03/2021, thông tư này hướng dẫn Luật Công chứng về bổ nhiệm công chứng viên, đăng ký hành nghề công chứng tại Chương II; đào tạo nghề công chứng; khóa bồi dưỡng nghề công chứng; bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm tại chương III; tổ chức và hoạt động công chứng tại chương IV và một số biểu mẫu trong hoạt động công chứng.

5

Thông tư 08/2023/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 08/2023/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 20/11/223 quy định về tập sự và quản lý tập sự hành nghề công chứng; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tập sự hành nghề công chứng và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Điều 3 Thông tư 08/2023/TT-BTP quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ và các trường hợp không được đăng ký tập sự hành nghề công chứng.

6

Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 257/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch; Mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất; thuê nhà ở; thuê, thuê lại tài sản; Mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC.

7

Thông tư 111/2017/TT-BTC về sửa đồi Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 111/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 11/12/2017. Thông tư sửa đổi Mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (tính trên giá trị tài sản bán được) như sau:

TT Giá trị tài sản 

Mức thu

(Đồng/Trường hợp)

1 Dưới 5 tỷ đồng 90 nghìn
2 Từ 5 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng 270 nghìn
3 Trên 20 tỷ đồng 450 nghìn

 

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.225.195.4
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!