Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Bỏ túi 15 văn bản hướng dẫn chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới nhất

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ dành cho người lao động bị mất việc làm. Dưới đây là tổng hợp 15 văn bản liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp giúp mọi người hiểu rõ hơn về chế độ này.

1. Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Theo quy định tại Điều 42 Luật Việc làm 2013 thì hiện nay có 4 chế độ của bảo hiểm thất nghiệp đó là:

+ Trợ cấp thất nghiệp;

+ Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm;

+ Hỗ trợ Học nghề;

+ Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

2. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là những đối tượng được quy định tại Điều 43 Luật VIệc làm 2013 như sau:

- Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc gồm:

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

+ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

3. Danh sách 15 văn bản liên quan đến chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Dưới đây là danh sách 15 văn bản hướng dẫn bảo hiểm thất nghiệp mà người lao động cần biết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bản thân:

1

Luật việc làm 2013

Luật việc làm 2013 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm. Trong luật này, cần lưu tâm các quy định tại Chương 6 về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

2

Bộ luật Lao động 2019

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động. Theo đó, việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là bắt buộc đối với người sử dụng lao động, người lao động theo quy định tại Điều 168. Ngoài ra, Bộ luật này còn quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động về bảo hiểm thất nghiệp.

3

Luật Bảo hiểm xã hội 2024

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện; quỹ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Luật này cung cấp các thông tin liên quan đến trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định từ Điều 38 đến Điều 41 và biện pháp xử lý khi vi phạm hành vi trên.

4

Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội. Trong đó, Luật Bảo hiểm xã hội cũng nêu rõ về trách nhiệm quản lý của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với bảo hiểm thất nghiệp và các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 17 và Điều 23 của Luật này.

5

Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nghị định 12/2022/NĐ-CP có hiệu lực 17/01/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, cần lưu ý những quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về đóng bảo hiểm thất nghiệp tại các Điều 39, Điều 40, Điều 41.

6

Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Nghị định 89/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/09/2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

7

Nghị định 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 61/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/07/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Đáng chú ý, Nghị định này có sửa đổi một số quy định liên quan đến hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang chờ kết quả giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

8

Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 28/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/05/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nghị định này cung cấp các thông tin về hồ sơ và thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại các Điều 16, Điều 17 và Điều 18.

9

Nghị định 166/2016/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp do Chính Phủ ban hành

Nghị định 166/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/03/2017 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp bao gồm đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là Nghị định quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi sử dụng giao dịch điện tử để tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

10

Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 15/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực ngày 15/02/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 hướng dẫn thực hiện điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, cần lưu tâm đến quy định về bảo lưu đóng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và cách xác định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

11

Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực 15/09/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp. Một số vấn đề cần quan tâm đó là về mức hưởng, tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 8, Điều 9 của Thông tư.

12

Thông tư 37/2017/TT-BQP hướng dẫn quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội bắt buộc trong Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Thông tư 37/2017/TT-BQP có hiệu lực ngày 02/04/2017 hướng dẫn về quản lý thu, nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; quản lý chi BHXH bắt buộc; kế toán thu, chi BHXH bắt buộc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Bộ Quốc phòng. Thông tư này cung cấp thông tin quan trọng tại Điều 8 về quy định truy thu, truy đóng, thoái thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

13

Thông tư 139/2015/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng

Thông tư 139/2015/TT-BQP có hiệu lực ngày 01/02/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đối tượng áp dụng; hồ sơ, tham gia, thời điểm đóng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng, phương thức đóng bảo hiểm thất nghiệp; các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (sau đây gọi chung là đơn vị) trong Bộ Quốc phòng. Thông tư này cung cấp các thông tin về hồ sơ tham gia bảo hiểm, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng và phương thức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tạo Điều 3 và Điều 4 của Thông tư

14

Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực 10/01/2023 quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam), gồm: Quy trình giám định tư pháp theo vụ việc; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện giám định của các tổ chức giám định theo vụ việc, đơn vị chuyên môn khi được trưng cầu thực hiện giám định; tiêu chuẩn, công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; áp dụng quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc. Trong đó, cần chú ý các quy định về quy trình thực hiện giám định tư pháp tại chương III của Thông tư.

15

Quyết định 17/2021/QĐ-TTg quy định về mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 17/2021/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 15/05/2021 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.128.30.45
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!