Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quan trọng về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Dưới dây là những văn bản quan trọng quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp

1. Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Theo Điều 5 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định ngày bầu cử là ngày chủ nhật, tuy nhiên phải được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử.

Tổng hợp văn bản quan trọng về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Hình từ internet)

2. Độ tuổi của cử tri

Theo Điều 27 Hiến pháp 2013:

Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Theo quy định trên, tính đến ngày công bố bầu cử thì cử tri phải từ đủ 18 trở lên mới có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Nguyên tắc lập danh sách cử tri

Theo Điều 29 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, nguyên tắc lập danh sách cử tri được quy định như sau:

- Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

- Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.

- Công dân VN ở nước ngoài trở về sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến UBND cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri.

- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dụ, cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Danh sách những văn bản quan trọng về Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

1

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/09/2015

2

Luật tố tụng hành chính 2015

Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016, quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Tại Chương XII Luật này quy định về thủ tục giải quyết khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND, danh sách cử tri trưng cầu ý dân.

3

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2018, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.

Tại Điều 9 Luật này quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam có vẫn được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử.

4

Nghị định 54/2018/NĐ-CP về hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

Nghị định 54/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/4/2018, hướng dẫn việc lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Tại Điều 13 Nghị định này, quyền và nghĩa vụ của cử tri được lấy ý kiến cử tri về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính như sau:

- Mọi cử tri có quyền và nghĩa vụ tham gia khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến cử tri.

- Mỗi cử tri có quyền thể hiện ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý vào Phiếu lấy ý kiến.

- Cử tri phải tự mình viết và ký vào Phiếu lấy ý kiến, không được nhờ người khác viết thay, trừ trường hợp cử tri không biết chữ hoặc không biết tiếng Việt, cử tri là người khuyết tật không tự đánh dấu và ký tên vào Phiếu lấy ý kiến cử tri thì được nhờ người trong gia đình hoặc người thân viết hộ.

5

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 có hiệu lực từ 01/01/2017, quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; nghĩa vụ chịu án phí, lệ phí Tòa án; trường hợp không phải nộp, không phải chịu, miễn, giảm án phí, lệ phí Tòa án; xét miễn, giảm, thời hạn nộp, chế độ thu, nộp, quản lý, xử lý tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án; giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án; kiểm sát việc thu, nộp, miễn, giảm và giải quyết khiếu nại về án phí, lệ phí Tòa án.

Tại Điều 11 và Điều 32 Nghị quyết này quy định trường hợp phải chịu án phí và không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí liên quan đến việc lập danh sách cử tri.

6

Nghị quyết 1186/2021/UBTVQH14 hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Nghị quyết 1186/2021/UBTVQH14 có hiệu lực từ 11/01/2021, hướng dẫn về tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong bầu cử bổ sung.

Tại Điều 2 Nghị quyết này, hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri tại nơi cư trú đơn cử một số nội dung như sau:

- Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thì tổ chức hội nghị cử tri tại thôn, tổ dân phố nơi người ứng cử đang sinh sống.

 Trường hợp người ứng cử cư trú tại khu chung cư, khu đô thị chưa có tổ dân phố thì tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị nơi người đó sinh sống để lấy ý kiến đối với người ứng cử.

- Đối với nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất là 50% tổng số cử tri được triệu tập.

Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất là 55 cử tri tham dự hội nghị.

7

Quyết định 1306/QĐ-TTg năm 2020 về Danh mục Bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 1306/QĐ-TTg có hiệu lực từ 26/08/2020, về Danh mục Bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo Điều 2 Quyết định này, bí mật nhà nước độ Mật là Thông tin, tài liệu về tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội đơn cử một số nội dung sau:

- Tờ trình, báo cáo, công văn phục vụ Đảng đoàn Quốc hội xem xét, quyết định về số lượng, cơ cấu và phương hướng chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương chưa công khai;

- Tờ trình, báo cáo, công văn phục vụ Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định về nguyên tắc phân bổ ứng cử viên ở Trung ương về địa phương ứng cử đại biểu Quốc hội chưa công khai;

- Hướng dẫn, báo cáo, công văn về những vấn đề phức tạp trong công tác bầu cử có ảnh hưởng đến chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong công tác bầu cử;

- Văn bản đề nghị cơ quan chức năng xác minh đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội; báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo về nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội, nhân sự trúng cử đại biểu Quốc hội chưa công khai.

8

Công văn 1129/UBTVQH13-PL năm 2016 hướng dẫn Điều 73 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

Công văn 1129/UBTVQH13-PL có hiệu lực từ 17/5/2016, hướng dẫn Điều 73 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo đó, người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm, phóng viên báo chí quy định tại Điều 73 của Luật bầu cử được hiểu như sau:

- “Người ứng cử" là người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã được niêm yết ở khu vực bỏ phiếu.

- “Đi diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử” là người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử chỉ định, phân công bằng văn bản tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu nơi có người ứng cử là người do cơ quan, tổ chức, đơn vị mình giới thiệu.

- “Người được ủy nhiệm” là người được người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc ứng cử đại biểu HĐND các cấp ủy quyền bằng văn bản để chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu mà người đó ứng cử. Văn bản ủy quyền phải được công chứng theo quy định của pháp luật.

- "Phóng viên báo chí” là người có thẻ nhà báo còn hiệu lực, được cơ quan báo chí phân công, giới thiệu đến để chứng kiến việc kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

9

Hiến pháp 2013

Hiến pháp 2013 ban hành ngày 28/11/2013 có hiệu lực từ 01/01/2014.
Tại Điều 7, Điều 27, Điều 117 Hiến pháp quy định về nguyên tắc, độ tuổi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, chức năng, cơ cấu của hội đồng bầu cử quốc gia.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 44.192.95.161
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!