1. Mức lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng từ ngày 01/7/2022
Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Trong đó quy định mức lương tối thiểu theo tháng được áp dụng từ ngày 01/7/2022.
Cụ thể, mức lương tối thiểu theo tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động phân theo 4 vùng như sau:
+ Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng.
+ Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng.
+ Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng.
+ Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng.
(Mức lương tối thiểu nêu trên tăng 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành).
Đồng thời, Nghị định 38/2022/NĐ-CP cũng bổ sung mức lương tối thiểu vùng theo giờ so với quy định hiện nay.
Lưu ý:
- Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP .
- Việc áp dụng địa bàn vùng còn có thể được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo các nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP .
- Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.
Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động.
Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2022 và thay thế Nghị định 90/2019/NĐ-CP .
2. Thí sinh trúng tuyển thẳng đại học có thể nhập học sớm
Đây là nội dung tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 về Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Trong đó, bổ sung quy định nhập học sớm đối với thí sinh trúng tuyển thẳng.
Cụ thể, theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT , việc tổ chức đăng ký và xét tuyển thẳng quy định như sau:
- Căn cứ đề án tuyển sinh đã công bố, cơ sở đào tạo tổ chức cho thí sinh thuộc đối tượng được xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ sở đào tạo.
- Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển thẳng cho những thí sinh đủ điều kiện, công bố kết quả theo kế hoạch chung.
- Thí sinh trúng tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học sớm (khi đủ điều kiện), hoặc theo kế hoạch chung như những thí sinh khác; cơ sở đào tạo không được yêu cầu bắt buộc thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.
- Thí sinh trúng tuyển thẳng chưa xác nhận nhập học vẫn được sử dụng quyền đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung để có thêm cơ hội trúng tuyển như những thí sinh khác.
Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/7/2022 và thay thế các Thông tư 09/2020/TT-BGDĐT , Thông tư 16/2021/TT-BGDĐT .
3. Bộ GD&ĐT yêu cầu không viết, vẽ lên SGK để tái sử dụng nhiều lần
Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị 643/CT-BGDĐT ngày 10/6/2022 về sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, yêu cầu không được viết, vẽ lên SGK để tái sử dụng lâu bền.
Cụ thể, yêu cầu chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa; không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách giáo khoa được sử dụng lại lâu bền.
- Thực hiện nghiêm quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT , cụ thể: “Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào;
Không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
- Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Xem chi tiết tại Chỉ thị 643/CT-BGDĐT ngày 10/6/2022.
4. Từ 18/7/2022, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức kế toán, thuế, hải quan
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 quy định về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ. Trong đó, quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức kế toán, thuế, hải quan.
Cụ thể, trong tiêu chuẩn trình độ đối với công chức kế toán, thuế, hải quan tại Thông tư 29/2022/TT-BTC (có hiệu lực từ 18/7/2022) không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như so với quy định hiện nay.
Thay vào đó, chỉ yêu cầu các đối tượng công chức sau đây có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ, bao gồm:
- Kế toán viên cao cấp;
- Kế toán viên chính;
- Kế toán viên;
- Kiểm tra viên cao cấp thuế;
- Kiểm tra viên chính thuế;
- Kiểm tra viên thuế;
- Kiểm tra viên cao cấp hải quan;
- Kiểm tra viên chính hải quan;
- Kiểm tra viên hải quan.