1. Sửa một số quy định xử phạt hành chính về kinh doanh xăng dầu
Ngày 31/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;...
Trong đó, sửa đổi một số quy định xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 99/2020/NĐ-CP, đơn cử như:
- Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại Giấy phép kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh khi bị tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Giấy phép.
- Bổ sung hành vi vi phạm quy định về ký hợp đồng mua bán xăng dầu, hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, thương nhân đầu mối ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu không đủ điều kiện theo quy định có thể bị phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000 000 đồng.
Nghị định 17/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 31/01/2022.
2. Quy định về sửa chữa đột xuất công trình đường bộ sử dụng NSNN
Ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 41/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 37/2018/TT-BGTVT quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ, trong đó sửa đổi quy định về sửa chữa đột xuất công trình đường bộ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Theo đó, đối với sửa chữa đột xuất công trình đường bộ thuộc hệ thống đường trung ương sử dụng vốn ngân sách nhà nước (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều 19 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT ), được thực hiện như sau:
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định và tổ chức thực hiện các công việc sửa chữa đột xuất có giá trị từ 500 triệu đồng đến 05 tỷ đồng;
Cục Quản lý đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ được giao trực tiếp quản lý quốc lộ quyết định và tổ chức thực hiện các công việc sửa chữa đột xuất có giá trị nhỏ hơn 500 triệu đồng.
Trường hợp công việc sửa chữa đột xuất có giá trị lớn hơn 05 tỷ đồng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.
- Cơ quan quyết định các công việc sửa chữa đột xuất tại điểm b khoản 4 Điều 19 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT chịu trách nhiệm theo thẩm quyền về việc quyết định, tổ chức thực hiện, sử dụng kinh phí, phương thức thực hiện và hoàn thiện hồ sơ theo quy định đối với trường hợp sửa chữa đột xuất;
Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện hàng tháng gửi Bộ Giao thông vận tải.
Thông tư 41/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
3. Tăng mức phạt với nhiều hành vi cản trở hoạt động báo chí
Đây là nội dung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, trong đó quy định đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt đến 100 triệu đồng.
Cụ thể, tại điểm d khoản 9 Điều 2 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, đối với hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên thì tổ chức có thể bị phạt đến 100 triệu đồng; cá nhân có thể bị phạt đến 50 triệu đồng.
(Trước đây, đối với hành vi đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên thì tổ chức có thể bị phạt đến 60 triệu đồng; cá nhân có thể bị phạt đến 30 triệu đồng)
Ngoài ra, Nghị định 14/2022/NĐ-CP còn tăng mức phạt tiền đối với các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí như sau:
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
(Trước đây phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng)
- Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
(Trước đây phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng)
- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp;
+ Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
(Trước đây phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng)
Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với tổ chức; mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.
Nghị định 14/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 27/01/2022.
4. Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất khẩu trang y tế
Ngày 28/01/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 03/2022/TT-BCT về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch.
Theo đó, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch trong Danh mục tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2022/TT-BCT .
Đối với những lô hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch đã làm thủ tục hải quan tạm nhập từ ngày 01/01/2022 đến trước ngày 15/03/2022, được tiếp tục thực hiện tái xuất theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP .
Danh mục mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch được ban hành kèm theo Thông tư 03/2022/TT-BCT gồm:
- Chương 39: Mã hàng 3926.20.90 (Mô tả mặt hàng: Găng tay y tế).
- Chương 40:
+ Mã hàng: 4015.11.00 (Mô tả mặt hàng: Găng tay y tế).
+ Mã hàng: 4015.19.10 (Mô tả mặt hàng: Găng tay y tế).
- Chương 62: Mã hàng 6210.10.90 (Mô tả mặt hàng: Bộ trang phục phòng chống dịch, gồm: quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày).
- Chương 63:
+ Mã hàng: 6307.90.40 (Mô tả mặt hàng: Khẩu trang y tế).
+ Mã hàng: 6307.90.90 (Mô tả mặt hàng: Khẩu trang y tế).
Thông tư 03/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/3/2022 đến ngày 31/12/2022.