Bản tin văn bản mới cập nhật |
1. Điều chỉnh tăng gấp đôi mức cho vay để hỗ trợ tạo việc làm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo đó, các đối tượng vay vốn sẽ được Quỹ quốc gia về việc làm cho vay với hạn mức tăng gấp đôi so với hiện hành, cụ thể như sau:
- Tối đa 02 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm;
Hiện hành quy định mức cho vay tối đa là 01 tỷ đồng/dự án và 50 triệu đồng cho một người lao động.
- Tối đa là 100 triệu đồng đối với người lao động (Tăng thêm 50 triệu đồng so với quy định hiện hành).
Bên cạnh đó, thời hạn cho vay tối đa được kéo dài lên đến 120 tháng (so với hiện hành chỉ quy định thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng).
Nghị định 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/11/2019.
2. Hướng dẫn xác định giá dịch vụ giáo dục đào tạo
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 14/2019/TT-BGDĐT hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Theo đó, giá dịch vụ giáo dục đào tạo được xác định bằng tổng của các chi phí sau:
- Chi phí tiền lương;
- Chi phí vật tư;
- Chi phí quản lý;
- Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định (tích lũy đầu tư) và các chi phí, quỹ khác.
Khi xác định giá dịch vụ phải trên nguyên tắc như phải tiến tới tính đúng, tính đủ các chi phí thành phần trên; phân biệt theo cấp học, nhóm ngành và chương trình đào tạo; điều chỉnh khi các yếu tố hình thành có thay đổi.
Thông tư 14/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
3. Xử lý cán bộ đang công tác có hành vi chạy chức, chạy quyền
Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Theo đó, cán bộ đang công tác có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật theo quy định, còn bị áp dụng các biện pháp xử lý sau:
- Bị khiển trách: nếu đang có trong quy hoạch thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (QHCB), sau ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét QHCB.
- Bị cảnh cáo: xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, đưa ra khỏi QHCB (nếu đang có trong quy hoạch), sau ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp ủy, chức vụ mới được xem xét QHCB.
- Bị cách chức: nếu đang có trong quy hoạch thì đưa ra khỏi QHCB, sau ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét QHCB.
- Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Đồng thời, khi bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức thì sẽ không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.
Quy định 205-QĐ/TW có hiệu lực từ ngày 23/9/2019.
4. Bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương
Thông tư 17/2019/TT-BCT (có hiệu lực từ 05/11/2019) bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, liên tịch ban hành; đơn cử như:
- Thông tư liên tịch 07/2007/TTLT-BTM-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều về khuyến mại và hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 04/04/2006.
- Thông tư 57/2015/TT-BCT quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
- Thông tư 60/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu.