Bản tin văn bản mới cập nhật |
1. Phải đảm bảo ATGT trên các xe đưa đón học sinh tới trường
Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn 3875/BGDĐT-GDCTHSSV hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2019-2020.
Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện:
- Chỉ đạo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác giáo dục An toàn giao thông trong trường học.
- Chú trọng công tác đảm bảo an toàn giao thông cho HSSV trong và khu vực cổng trường học, an toàn giao thông trên các xe đưa đón HSSV tới trường.
- Triển khai Cuộc thi “Giao thông học đường” cho học sinh THPT; bộ tài liệu giáo dục “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học, THCS theo Công văn 3523/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 16/8/2019 về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô.
Xem chi tiết các nội dung hướng dẫn khác về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tại Công văn 3875/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 27/8/2019.
2. Công bố Danh mục khu vực hàng hải do Cảng vụ hàng hải quản lý từ năm 2020
Thông tư 32/2019/TT-BGTVT công bố Danh mục các khu vực hàng hải (KVHH) thuộc phạm vi quản lý của 25 Cảng vụ hàng hải, đơn cử như:
- Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh quản lý 06 KVHH: Vạn Gia - Hải Hà, Mũi Chùa, Cô Tô, Cẩm Phả - Cửa Đối, Hòn Gai và Quảng Yên;
- Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng quản lý KVHH Hải Phòng;
- Cảng vụ Hàng hải Thái Bình quản lý KVHH Diêm Điền - Trà Lý;
- Cảng vụ Hàng hải Nam Định quản lý KVHH Ninh Cơ;
- Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa quản lý 02 KVHH Lệ Môn và Nghi Sơn;...
Thông tư 32/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, đồng thời bãi bỏ các quy định về Danh mục KVHH thuộc phạm vi quản lý của Cảng vụ hàng hải trước đây trái với Thông tư này.
3. TCHQ hướng dẫn xác định các thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa
Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 5189/TCHQ-GSQL năm 2019 về kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp.
Theo đó, các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định trong lĩnh vực ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xác định bao gồm:
- Hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”...;
- Trên sản phẩm nhập khẩu và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu;
- Hàng nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”...;
Xem chi tiết tại Công văn 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019.
4. Chứng chỉ đào tạo về y tế không được ghi tên là “định hướng chuyên khoa”
Đây là nội dung hướng dẫn tại Công văn 4921/BYT-K2ĐT về hướng dẫn việc đào tạo cấp chứng chỉ do Bộ Y tế ban hành ngày 23/8/2019.
Theo đó, cơ sở đào tạo không ghi tên khóa đào tạo cấp chứng chỉ theo nhu cầu của cán bộ y tế là định hướng chuyên khoa mà ghi tên theo đúng tên chương trình đào tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời gian đào tạo.