1. Quốc hội dự kiến thông qua 20 Luật trong năm 2018
Nghị quyết 34/2017/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 08/6/2017 có những nội dung đáng chú ý sau:
- Tại kỳ họp thứ 5: sẽ trình Quốc hội thông qua 10 Luật, 01 Nghị quyết và những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (năm 2017) mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 (nếu có);
- Tại kỳ họp thứ 6: sẽ trình Quốc hội thông qua 10 Luật và những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (nếu có).
Ngoài ra, Nghị quyết 34/2017/QH14 còn điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 với việc bổ sung 3 dự án luật vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.
2. Năm 2020: Đưa 6.200 lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài
Đây là mục tiêu được nêu tại Quyết định 899/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm phấn đấu cụ thể đến năm 2020 như sau:
- Hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 lao động; đưa khoảng 6.200 người trong số đó đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường nghề và khoảng 30 trường chuyên biệt đủ điều kiện đào tạo nghề trọng điểm phát triển kinh tế biển;
- Đầu tư khoảng 100 nghề trọng điểm bảo đảm đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp ở các cấp độ;
- Tư vấn chính sách việc làm, học nghề trong đó 45-50% số người lao động đến các Trung tâm dịch vụ việc làm được giới thiệu việc làm và 70% trong số đó có việc làm thành công.
Quyết định 899/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 20/6/2017.
3. Phê duyệt 2139 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135
Ngày 20/6/2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 900/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, phê duyệt danh sách gồm 2.139 xã thuộc 46 tỉnh:
- Ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư: 2.103 xã của 44 tỉnh (giảm 137 xã so với Quyết định 204/QĐ-TTg năm 2016);
- Ngân sách địa phương đầu tư: 36 xã của 02 tỉnh Quảng Ninh và Khánh Hòa (không còn hỗ trợ cho TP.Hà Nội và Bà Rịa – Vũng Tàu như năm 2016).
Hầu hết các xã thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng (156 xã), Hà Giang (136 xã), Lạng Sơn (133 xã),...
Quyết định 900/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định 204/QĐ-TTg năm 2016.
4. Quy định chi tiết về thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT . Theo đó:
Quy định rõ thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).
Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác.
So với quy định hiện hành thì Thông tư đã nêu rõ 02 tháng nghỉ hè này đã bao gồm cả thời gian nghỉ hằng năm, nhằm phù hợp với quy định tại Bộ luật lao động hiện hành.
Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 01/8/2017) còn sửa đổi cách tính định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các cơ sở giáo dục phổ thông từ định mức theo tuần thành theo năm.