Sau đây là một số văn bản nổi bật vừa được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật trong tuần qua (từ ngày 23 – 29/01/2017):
Danh sách toàn bộ văn bản mới cập nhật được từ ngày 23/01 đến ngày 29/01/2017
1. Sửa đổi, bổ sung Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước
Thông tư 300/2016/TT-BTC quy định việc sửa đổi, bổ sung hệ thống mục lục ngân sách nhà nước được ban hành ngày 15/11/2016.
Theo đó, bổ sung nhiều tiểu mục mới của hệ thống mục lục ngân sách nhà nước; đơn cử như các tiểu mục về lệ phí môn bài để phù hợp với quy định mới tại Luật phí và lệ phí 2015:
- Tiểu mục 2862: Lệ phí môn bài mức 1
- Tiểu mục 2863: Lệ phí môn bài mức 2
- Tiểu mục 2864: Lệ phí môn bài mức 3.
Thông tư 300/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.
2. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương năm 2017
Ngày 30/12/2016, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 40/2016/TT-BCT về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương.
Theo đó, hệ thống bao gồm 03 nhóm chỉ tiêu sau đây:
- Nhóm chỉ tiêu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực công nghiệp;
- Nhóm chỉ tiêu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thương mại;
- Nhóm chỉ tiêu quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ và đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về tiêu chí thống kê đối với từng chỉ tiêu cụ thể tại Phụ lục 2.
Thông tư 40/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/02/2017.
3. Giá cụ thể dịch vụ kiểm dịch y tế tại cơ sở y tế công lập
Thông tư 51/2016/TT-BYT quy định giá cụ thể đối với dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập sử dụng ngân sách nhà nước được ban hành ngày 30/12/2016. Theo đó:
- Giá dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng tại cơ sở y tế công lập áp dụng theo mức giá thuộc danh mục dịch vụ kiểm dịch y tế, y tế dự phòng quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 240/2016/TT-BTC .
- Các nội dung về quản lý sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ, quản lý nguồn thu cung ứng dịch vụ thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 240/2016/TT-BTC .
Thông tư 51/2016/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
4. Mức bảo lãnh Chính phủ áp dụng từ ngày 01/3/2017
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 04/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 15/2011/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Theo đó, quy định mức bảo lãnh Chính phủ mới như sau:
- Đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho chương trình, dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án.
- Đối với dự án được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc diện phải triển khai gấp, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.
- Đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2300 tỷ đồng trở lên, được Thủ tướng phê duyệt, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, phát hành trái phiếu tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.
- Đối với các dự án khác thuộc chương trình, dự án theo quy định tại Luật đầu tư, Luật đầu tư công, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, phát hành trái phiếu tối đa 50% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư.
Nghị định 04/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2017.