Quy định về tuổi công tác của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
18/04/2024 15:42 PM

Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hiện nay là ai? Quy định về tuổi công tác của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội là bao nhiêu? – Trần Minh (Hà Tĩnh)

Quy định về tuổi công tác của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Quy định về tuổi công tác của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hiện nay là ai?

Theo Thông báo 327/TB-VPQH ngày 11/3/2024 về việc phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí Trợ lý, Thư ký đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thì Trợ lý Chủ tịch Quốc hội hiện nay bao gồm: ông Phạm Thái Hà, ông Bùi Thế Cử và ông Hoàng Xuân Hòa.

2. Quy định về tuổi công tác của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Theo điểm a khoản 2 Điều 6 Quy định 30-QĐ/TW năm 2021, thời gian công tác của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội gắn với thời gian công tác của Chủ tịch Quốc hội. Việc chuyển công tác hoặc nghỉ công tác trong thời gian đảm nhiệm chức danh trợ lý, thư ký do Chủ tịch Quốc hội đạo xem xét, quyết định.

3. Quy định về tuổi bổ nhiệm của Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

Theo điểm a khoản 1 Điều 6 Quy định 30-QĐ/TW năm 2021, tuổi bổ nhiệm lần đầu chức danh Trợ lý Chủ tịch Quốc hội phải còn trong độ tuổi lao động.

4. Quy trình bổ nhiệm Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

- Đồng chí lãnh đạo trao đổi, thống nhất với tập thể lãnh đạo là ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc lãnh đạo cơ quan nơi không lập ban cán sự đảng, đảng đoàn (ở các ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương); hoặc với ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương về dự kiến nhân sự bổ nhiệm trợ lý.

- Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng (ở các cơ quan Trung ương là ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan, trưởng các đoàn thể, vụ trưởng và tương đương trở lên; ở tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương là ban chấp hành) để lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm trợ lý (bằng hình thức bỏ phiếu kín và không công bố kết quả tại hội nghị).

- Lãnh đạo cơ quan xem xét kết quả lấy phiếu tín nhiệm của hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự dự kiến bổ nhiệm (bằng hình thức bỏ phiếu kín và phải đạt trên 50% số phiếu của tập thể lãnh đạo).

- Lãnh đạo cơ quan hoặc cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm (tương tự hồ sơ bổ nhiệm cán bộ diện Trung ương quản lý), báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) xem xét, quyết định.

(Điều 8 Quy định 30-QĐ/TW năm 2021)

5. Nguyên tắc tuyển chọn, sử dụng Trợ lý Chủ tịch Quốc hội

- Trợ lý, thư ký của đồng chí lãnh đạo nào thì do đồng chí lãnh đạo đó giới thiệu hoặc cơ quan nơi đồng chí lãnh đạo làm việc đề xuất theo yêu cầu của đồng chí lãnh đạo, đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện tại Điều 4 Quy định này.

- Chức danh trợ lý, thư ký nằm trong tổng số biên chế được giao của từng cơ quan và bảo đảm liên thông với các vị trí tương đương khác trong hệ thống chính trị.

- Khi thôi đảm nhiệm chức danh trợ lý, thư ký nếu còn tuổi công tác thì tập thể lãnh đạo cơ quan, cấp ủy hoặc tổ chức đảng (nơi trợ lý, thư ký công tác) căn cứ tình hình thực tế và năng lực, sở trường của cán bộ để bố trí, sắp xếp, điều động công tác theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ mới được thực hiện theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử của Đảng.

(Điều 3 Quy định 30-QĐ/TW năm 2021)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 360

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn