Trường hợp nào không phải khai tờ khai trị giá hải quan với hàng hóa nhập khẩu?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
26/03/2024 11:15 AM

Cho tôi hỏi trường hợp nào không phải khai tờ khai trị giá hải quan với hàng hóa nhập khẩu? - Công Minh (Bình Dương)

Trường hợp nào không phải khai tờ khai trị giá hải quan với hàng hóa nhập khẩu?

Trường hợp nào không phải khai tờ khai trị giá hải quan với hàng hóa nhập khẩu? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trường hợp nào không phải khai tờ khai trị giá hải quan với hàng hóa nhập khẩu?

Theo Điều 18 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định hàng hóa nhập khẩu phải khai trị giá hải quan trên tờ khai trị giá hải quan, trừ các trường hợp sau:

- Hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016;

- Hàng hóa nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;

- Hàng hóa đủ điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 60/2019/TT-BTC), đồng thời đã khai đủ thông tin trị giá hải quan trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu của Hệ thống thông quan điện tử VNACCS và Hệ thống này tự động tính trị giá hải quan;

Khoản 3 Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 60/2019/TT-BTC) quy định giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu là tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán, theo hình thức thanh toán trực tiếp hoặc thanh toán gián tiếp cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu, bao gồm các khoản sau đây:

- Giá mua ghi trên hóa đơn thương mại;

- Các khoản người mua phải thanh toán nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, bao gồm:

+ Các khoản đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán (ví dụ: tiền trả trước, tiền ứng trước cho hàng hóa, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa);

+  Các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán.

- Các khoản điều chỉnh cộng và các khoản điều chỉnh trừ theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 60/2019/TT-BTC).

- Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hoặc không có hóa đơn thương mại.

2. Nguyên tắc khai, nộp tờ khai trị giá hải quan

Nguyên tắc khai, nộp tờ khai trị giá hải quan theo Điều 20 Thông tư 39/2015/TT-BTC như sau:

- Khai báo chi tiết trị giá hải quan trên tờ khai trị giá hải quan cho từng mặt hàng tương ứng có trong tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Các mặt hàng khai báo trên tờ khai trị giá hải quan phải được đánh số thứ tự liên tục, thống nhất với số thứ tự của mặt hàng đó trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

- Tờ khai trị giá hải quan là bộ phận không tách rời của tờ khai hàng hóa nhập khẩu và được nộp kèm theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan. Tờ khai trị giá hải quan phải lập thành 02 bản, một bản lưu cơ quan hải quan, một bản lưu chủ hàng và được lưu trữ cùng với tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan

Quy định về xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan theo Điều 28 Luật Hải quan 2014 như sau:

- Trong trường hợp người khai hải quan đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu, người khai hải quan cung cấp thông tin, chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan hải quan để cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan.

Trường hợp không thể cung cấp mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu, người khai hải quan phải cung cấp tài liệu kỹ thuật liên quan đến hàng hóa đó.

- Cơ quan hải quan căn cứ quy định của pháp luật về phân loại hàng hóa, xuất xứ, trị giá hải quan và các thông tin, chứng từ liên quan do người khai hải quan cung cấp để xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan và có văn bản thông báo cho người khai hải quan biết kết quả xác định trước. 

Trường hợp không đủ cơ sở hoặc thông tin để xác định theo yêu cầu của người khai hải quan, cơ quan hải quan thông báo cho người khai hải quan hoặc đề nghị bổ sung thông tin, chứng từ liên quan.

- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có văn bản thông báo kết quả xác định trước, nếu người khai hải quan không đồng ý với kết quả xác định trước thì có quyền yêu cầu cơ quan hải quan xem xét lại kết quả xác định trước. Cơ quan hải quan có trách nhiệm xem xét và trả lời kết quả cho người khai hải quan trong thời hạn quy định.

- Văn bản thông báo kết quả xác định trước có giá trị pháp lý để cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan khi hàng hóa thực xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với thông tin, chứng từ liên quan, mẫu hàng hóa mà người khai hải quan đã cung cấp.

- Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục, thời hạn xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan; thời hạn giải quyết yêu cầu xem xét lại kết quả xác định trước; thời hạn hiệu lực của văn bản xác định trước quy định tại Điều 28 Luật Hải quan 2014.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 553

Bài viết về

lĩnh vực Xuất nhập khẩu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn