03 chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
04/03/2024 08:40 AM

Xin hỏi ngày có bao nhiêu chính sách mới bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024? - Trúc Nhi (TPHCM)

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp 03 chính sách mới bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024, cụ thể như sau:

1. Hướng dẫn quản lý thuốc methadone trong y tế

Thông tư 26/2023/TT-BYT hướng dẫn quản lý thuốc methadone bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024.

Theo đó, Thông tư 26/2023/TT-BYT hướng dẫn việc quản lý thuốc methadone bao gồm: giao, nhận thuốc methadone; kê đơn, cấp phát thuốc methadone; quản lý hồ sơ, sổ theo dõi và báo cáo thuốc methadone trong hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Việc quản lý thuốc methadone phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 26/2023/TT-BYT và các quy định của pháp luật về quản lý thuốc gây nghiện, trong đó:

- Việc bảo quản thuốc methadone tại cơ sở điều trị thay thế và cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế (viết tắt là cơ sở cấp phát thuốc) thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 20/2017/TT-BYT.

- Việc hủy thuốc methadone và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc methadone thực hiện theo quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP.

03 chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024

03 chính sách mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024 (Hình từ internet)

2. Các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện đường sắt

Thông tư 01/2024/TT-BGTVT kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường giao thông đường sắt có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024.

Theo đó, quy định các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm:

(1) Kiểm tra sản xuất, lắp ráp

- Kiểm tra sản xuất, lắp ráp được thực hiện đối với: thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp mới.

- Điều kiện kiểm tra: cơ sở sản xuất phải chuẩn bị thiết bị, phương tiện và bảo đảm điều kiện để Cơ quan kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

- Nội dung kiểm tra: thực hiện theo những nội dung thuộc phạm vi của Cơ quan kiểm tra được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại thiết bị, phương tiện. Đối với thiết bị tín hiệu đuôi tàu, nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

- Phương thức kiểm tra

+ Kiểm tra từng thiết bị, phương tiện;

+ Đối với toa xe đường sắt đô thị, kiểm tra toa xe ở trạng thái tĩnh và kiểm tra vận hành trên đường khi ghép thành đoàn tàu theo cấu hình khai thác;

+ Đối với bộ trục bánh xe, kiểm tra mẫu điển hình ngẫu nhiên cho từng lô bộ trục bánh xe.

(2) Kiểm tra nhập khẩu

- Kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với: thiết bị, phương tiện nhập khẩu mới; phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng.

- Điều kiện kiểm tra: doanh nghiệp nhập khẩu phải chuẩn bị thiết bị, phương tiện và bảo đảm điều kiện để Cơ quan kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

- Nội dung kiểm tra: thực hiện theo những nội dung thuộc phạm vi của Cơ quan kiểm tra được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại thiết bị, phương tiện. Đối với thiết bị tín hiệu đuôi tàu, nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

- Phương thức kiểm tra

+ Kiểm tra từng thiết bị, phương tiện;

+ Đối với toa xe đường sắt đô thị, kiểm tra toa xe ở trạng thái tĩnh và kiểm tra vận hành trên đường khi ghép thành đoàn tàu theo cấu hình khai thác;

+ Đối với bộ trục bánh xe, kiểm tra mẫu điển hình ngẫu nhiên cho từng lô bộ trục bánh xe.

(3) Kiểm tra hoán cải

- Kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng có thay đổi các nội dung sau:

+ Bội suất hãm, kiểu loại xy lanh hãm của phương tiện; các bộ phận chịu lực chính của kết cấu thép thân phương tiện gồm: xà đầu, xà kéo, xà gối, xà dọc giữa, xà ngang chính, xà dọc cạnh (trừ trường hợp gia cường để tăng độ cứng vững) khác với thiết kế ban đầu hoặc hồ sơ kiểm tra hoán cải gần nhất;

+ Tính năng, mục đích sử dụng của phương tiện dẫn tới việc phải thay đổi cách bố trí, lắp đặt trang thiết bị của phương tiện khác với lần đăng kiểm gần nhất;

+ Kiểu loại của động cơ diesel (đầu máy), động cơ điện kéo, máy phát điện chính (đầu máy), máy nén khí, bộ truyền động thủy lực, giá chuyển hướng, bộ móc nối đỡ đấm, van phân phối, van hãm lắp trên phương tiện khác với lần đăng kiểm gần nhất.

- Điều kiện kiểm tra: cơ sở sửa chữa phải chuẩn bị phương tiện và bảo đảm điều kiện để Cơ quan kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với nội dung hoán cải của từng loại phương tiện.

- Nội dung kiểm tra: kiểm tra nội dung hoán cải của phương tiện so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

- Phương thức kiểm tra: kiểm tra từng phương tiện.

(4) Kiểm tra định kỳ

- Kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với: phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng, phương tiện chạy trên đường sắt đô thị; thiết bị tín hiệu đuôi tàu.

- iều kiện kiểm tra: cơ sở sửa chữa, chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện phải chuẩn bị thiết bị, phương tiện và bảo đảm điều kiện để Cơ quan kiểm tra thực hiện các nội dung kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

- Nội dung kiểm tra: thực hiện theo những nội dung thuộc phạm vi của Cơ quan kiểm tra được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với từng loại phương tiện. Đối với thiết bị tín hiệu đuôi tàu, nội dung kiểm tra theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT.

- Phương thức kiểm tra

+ Kiểm tra từng thiết bị, phương tiện;

+ Đối với toa xe đường sắt đô thị, kiểm tra toa xe ở trạng thái tĩnh và kiểm tra vận hành trên đường khi ghép thành đoàn tàu theo cấu hình khai thác.

- Chu kỳ kiểm tra định kỳ

+ Chu kỳ kiểm tra định kỳ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 01/2024/TT-BGTVT;

+ Đối với đầu máy, toa xe chạy trên đường sắt quốc gia, việc kiểm tra được thực hiện cùng thời điểm phương tiện được sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ.

3. Phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan từ 15/3/2024

Thông tư 06/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2024.

Theo đó, người khai hải quan được phân loại mức độ rủi ro theo một trong những hạng sau:

- Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên là doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 06/2024/TT-BTC.

- Hạng 2: Người khai hải quan rủi ro rất thấp.

- Hạng 3: Người khai hải quan rủi ro thấp.

- Hạng 4: Người khai hải quan rủi ro trung bình.

- Hạng 5: Người khai hải quan rủi ro cao.

- Hạng 6: Người khai hải quan rủi ro rất cao.

- Hạng 7: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và chưa từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt.

- Hạng 8: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan hải và lĩnh vực khác do cơ quan quan xử phạt, trừ các hành vi quy định đối với Hạng 9.

- Hạng 9: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý vi phạm thuộc một trong các hành vi quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BTC.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,090

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2024

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]