Kinh tế chính trị Mác-Lênin là gì? Các nội dung chủ yếu của Kinh tế chính trị Mác-Lênin

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
22/02/2024 14:12 PM

Xin hỏi trong các bộ phận cấu thành Chủ nghĩa Mác-Lênin thì bộ phận Kinh tế chính trị Mác-Lênin được hiểu là gì? - Minh Nguyệt (Hà Nội)

Kinh tế chính trị Mác-Lênin là gì?

Kinh tế chính trị là một trong ba bộ phận cấu thành của lý luận Mác - Lênin, là khoa học nghiên cứu về quan hệ sản xuất trong mối liên hệ và sự tác động lẫn nhau với lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng; nghiên cứu quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng của cải vật chất trong xã hội.

Mặc dù ra đời tương đối muộn hơn so với các môn khoa học khác như triết học, sử học..., nhưng kinh tế chính trị có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội.

Các nội dung chủ yếu của Kinh tế chính trị Mác-Lênin

Kinh tế chính trị học Mác- Lênin gồm 2 nội dung chủ yếu: Lý luận về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; Dự báo về một số đặc điểm của nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa.

Kinh tế chính trị Mác-Lênin là gì?

Kinh tế chính trị Mác-Lênin là gì? (Hình từ internet)

Phương pháp nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác-Lênin

Phương pháp nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác-Lênin bao gồm: phương pháp biện chứng duy vật và phương pháp trừu tượng hoá khoa học; trong đó:

(1) Phương pháp biện chứng duy vật

Phương pháp biện chứng duy vật là phương pháp cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin được sử dụng đối với nhiều môn khoa học. Trong kinh tế chính trị, phương pháp này đòi hỏi: khi xem xét các hiện tượng và quá trình kinh tế phải đặt trong mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, thường xuyên vận động, phát triển không ngừng, chứ không phải là bất biến. Quá trình phát triển là quá trình tích luỹ những biến đổi về lượng dẫn đến những biến đổi về chất.

Phép biện chứng duy vật coi nguồn gốc của sự phát triển là sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Phép biện chứng duy vật cũng đòi hỏi khi xem xét các hiện tượng và quá trình kinh tế phải gắn liền với những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể…

(2) Phương pháp trừu tượng hoá khoa học

Phương pháp trừu tượng hoá khoa học được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu kinh tế chính trị và một số môn khoa học xã hội khác, bởi vì nghiên cứu các khoa học này không thể tiến hành trong các phòng thí nghiệm, không sử dụng được các thiết bị kỹ thuật như kính hiển vi, các thiết bị máy móc như các khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Mặt khác, bản thân các hiện tượng và quá trình kinh tế cũng phức tạp, có nhiều nhân tố tác động đến chúng, cho nên sử dụng phương pháp trừu tượng hoá khoa học làm cho việc nghiên cứu trở nên đơn giản hơn, nhanh chóng đi đến kết quả hơn.

Trừu tượng hoá khoa học là phương pháp gạt bỏ khỏi quá trình nghiên cứu các hiện tượng được nghiên cứu những cái đơn giản, ngẫu nhiên, tạm thời, hoặc tạm gác lại một số nhân tố nào đó nhằm tách ra những cái điển hình, ổn định, vững chắc, từ đó tìm ra bản chất các hiện tượng và quá trình kinh tế, hình thành các phạm trù và phát hiện ra quy luật phản ánh những bản chất đó.

Ngoài 2 phương pháp nên trên, kinh tế chính trị còn sử dụng nhiều phương pháp khác như lôgíc và lịch sử, phân tích và tổng hợp, các phương pháp toán học, thống kê, mô hình hoá các quá trình kinh tế được nghiên cứu...

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,606

Bài viết về

lĩnh vực khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn