Đề xuất 05 tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
26/07/2024 09:00 AM

Bộ Quốc phòng đã đề xuất 05 tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đề xuất 05 tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Đề xuất 05 tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (Hình từ Internet)

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã công bố dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó Dự thảo Luật đã đưa các quy định về tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là lực lượng gì?

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là lực lượng của các nước thành viên Liên hợp quốc được cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nhằm mục đích duy trì, gìn giữ hòa bình, an ninh ở quốc gia và khu vực xảy ra xung đột trên thế giới, được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đặt dưới sự quản lý của Liên hợp quốc.

Trong đó, lực lượng Việt Nam sẽ bao gồm đơn vị, cá nhân và vũ khí, trang bị kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

(Khoản 1, 3 Điều 2 Dự thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc)

Đề xuất 05 tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Cụ thể, Bộ Quốc phòng đã đề xuất 05 diều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc như sau:

(1) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ thuộc Công an nhân dân, có nguyện vọng và khả năng hoạt động trong môi trường tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

(2) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

(3) Có phẩm chất đạo đức cách mạng, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có lý lịch rõ ràng, có tuổi đời và đảm bảo sức khỏe phù hợp với quy định của Việt Nam và yêu cầu của Liên hợp quốc.

(4) Có trình độ lý luận chính trị và khả năng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; có kiến thức về văn hóa, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác; có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

(5) Tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định đối với từng chức vụ, vị trí được tuyển chọn; có trình độ ngoại ngữ đáp ứng theo yêu cầu của Liên hợp quốc.

(Khoản 2 Điều 11 Dự thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc)

Nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Dự thảo Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc như sau:

- Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ.

-Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

- Chỉ tham gia các hoạt động bảo vệ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc.

- Chỉ triển khai lực lượng ở quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Liên hợp quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên hợp quốc.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 32

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn