Giáo dục thường xuyên là gì? Hoạt động tại trung tâm GDTX

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
06/03/2023 14:04 PM

Giáo dục thường xuyên là gì? Người học tại trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) thực hiện những hoạt động gì? - Văn Tú (Bến Tre)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Giáo dục thường xuyên là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Giáo dục 2019, giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.

Điều 2 Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT quy định trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm.

Giáo dục thường xuyên là gì? Hoạt động tại trung tâm GDTX

Giáo dục thường xuyên là gì? Hoạt động tại trung tâm GDTX (Hình từ Internet)

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm giáo dục thường xuyên

Căn cứ Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT, nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm giáo dục thường xuyên bao gồm:

(1) Tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo:

- Chương trình xóa mù chữ.

- Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở để cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tàn tật, khuyết tật, đối tượng trong độ tuổi học phổ thông theo kế hoạch hằng năm của địa phương, người lao động có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

- Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực: giáo dục pháp luật, văn hóa, xã hội, thể thao, nghệ thuật, môi trường, sức khỏe, kinh tế, tài chính; các chương trình giáo dục kỹ năng; các chương trình chuyển giao công nghệ trong lao động, sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.

- Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp bao gồm: 

Bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, kiến thức văn hóa; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc, miền núi; bồi dưỡng thường xuyên giáo viên; bồi dưỡng giáo viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông về giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp; 

Các chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; và các chương trình bồi dưỡng khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch của địa phương và nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

(2) Liên kết hoạt động giáo dục, đào tạo trong nước và ngoài nước theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật có liên quan. Tổ chức cho người học học tập, thực hành, trải nghiệm thông qua hợp tác, liên kết các chương trình giáo dục, đào tạo.

(3) Thực hiện quyền tự chủ theo quy định của pháp luật và một số quy định cụ thể sau đây:

- Quyết định mục tiêu, sứ mạng, chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm;

- Quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển Trung tâm; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc Trung tâm;

- Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; quyết định mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học theo các quy định về tự chủ tài chính đối với Trung tâm;

- Tuyển sinh và quản lý người học; phát triển chương trình giáo dục; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn tài liệu học tập phù hợp với mục tiêu giáo dục của từng chương trình; quản lý và cấp chứng chỉ cho người học theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế theo chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm; đảm bảo chất lượng giáo dục của Trung tâm; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đăng ký kiểm định.

(4) Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.

(5) Xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục theo yêu cầu của chương trình giáo dục, đào tạo.

(6) Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ quản lí, viên chức; tổ chức cho nhà giáo cập nhật, nâng cao kỹ nghề nghiệp; tổ chức cho nhà giáo, viên chức và người học tham gia các hoạt động xã hội.

(7) Thực hiện quy chế dân chủ trong Trung tâm.

(8) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và có trách nhiệm giải trình trước cơ quan có thẩm quyền, người học và xã hội.

(9) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên

Hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên bao gồm:

- Vừa làm vừa học;

- Học từ xa;

- Tự học, tự học có hướng dẫn;

- Hình thức học khác theo nhu cầu của người học.

(Khoản 2 Điều 43 Luật Giáo dục 2019)

4. Học viên tại trung tâm giáo dục thường xuyên

Quy định về học viên tại trung tâm giáo dục thường xuyên căn cứ theo Chương V Quy chế kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT, cụ thể:

Học viên Trung tâm là người đang theo học ít nhất một chương trình giáo dục, đào tạo của Trung tâm.

* Nhiệm vụ của học viên:

- Kính trọng thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên của Trung tâm; thực hiện nội quy của Trung tâm và các quy định của Quy chế này.

- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về học tập, lao động thực hành theo quy định của Trung tâm.

- Giữ gìn và bảo vệ tài sản của Trung tâm.

- Góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của Trung tâm.

- Đóng học phí đầy đủ và đúng hạn (đối với học viên thuộc diện phải đóng học phí).

* Quyền của học viên:

- Được tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập của mình.

- Được chọn chương trình học, hình thức học, địa điểm học phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và của Trung tâm; được tạo điều kiện chuyển đổi chương trình, hình thức và địa điểm học nếu có nguyện vọng và được nơi chuyển đến tiếp nhận.

- Tham gia hoạt động của Trung tâm theo quy định.

- Trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, góp ý về nội dung, phương pháp giảng dạy và các hoạt động khác của Trung tâm.

- Được hưởng một phần thành quả lao động sản xuất, thực hành kỹ thuật, các hoạt động khác mà mình tham gia; được xét cấp học bổng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật.

- Học viên học hết các chương trình giáo dục thường xuyên theo quy định tại Điều 15 Quy chế kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT thì được cấp văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 60,682

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn