05 điều cần biết về Thanh tra quốc phòng

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
18/01/2023 14:45 PM

Xin cho tôi hỏi Thanh tra quốc phòng bao gồm có cơ quan nào? Nội dung hoạt động của Thanh tra quốc phòng được quy định ra sao? - Tuấn Vũ (Long An)

05 điều cần biết về Thanh tra quốc phòng

05 điều cần biết về Thanh tra quốc phòng

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng của Thanh tra quốc phòng

Theo Điều 4 Nghị định 33/2014/NĐ-CP, các đối tượng của Thanh tra quốc phòng bao gồm:

- Các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật về quốc phòng, cơ yếu; thực hiện nhiệm vụ và các quy định về chuyên môn - kỹ thuật, các quy định quản lý trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến pháp luật về quốc phòng, cơ yếu của Việt Nam.

2. Thanh tra quốc phòng bao gồm các cơ quan nào?

Cụ thể tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 33/2014/NĐ-CP, các cơ quan Thanh tra quốc phòng, bao gồm:

- Thanh tra Bộ Quốc phòng (sau đây gọi là Thanh tra Bộ);

- Thanh tra quốc phòng quân khu;

- Thanh tra Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các tổng cục;

- Thanh tra Cơ yếu;

- Thanh tra quân chủng;

- Thanh tra Bộ đội Biên phòng;

- Thanh tra quốc phòng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Thanh tra quốc phòng Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh; Thanh tra quốc phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Thanh tra quốc phòng cấp tỉnh);

- Thanh tra quân đoàn, binh chủng và tương đương.

3. Nội dung hoạt động của Thanh tra quốc phòng

Hoạt động Thanh tra quốc phòng được thực hiện qua các nội dung theo quy định tại Điều 5 Nghị định 33/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn, kế hoạch nhà nước về quốc phòng, cơ yếu; các quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy định quản lý trong lĩnh vực quốc phòng và cơ yếu đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.

- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật nhà nước, chấp hành nhiệm vụ, quyền hạn, mệnh lệnh, chỉ thị, quyết định của người chỉ huy đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền người chỉ huy cùng cấp.

- Tham mưu và giúp người chỉ huy cùng cấp tổ chức, quản lý và thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng.

- Kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ thi hành hoặc hủy bỏ các quy định ban hành trái với văn bản pháp luật về thanh tra.

4. Các nguyên tắc hoạt động của Thanh tra quốc phòng

Theo Điều 6 Nghị định 33/2014/NĐ-CP, hoạt động Thanh tra quốc phòng tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:

- Tuân theo pháp luật; điều lệnh, điều lệ, các quy định của Quân đội; quy chế, chế độ, quy định của ngành Cơ yếu; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.

- Không trùng lặp phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

- Hoạt động thanh tra hành chính được tiến hành theo Đoàn thanh tra; hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành theo Đoàn thanh tra hoặc do Thanh tra viên tiến hành độc lập.

5. Mối quan hệ của Thanh tra quốc phòng

Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 33/2014/NĐ-CP quy định về mối quan hệ của Thanh tra quốc phòng như sau:

- Thanh tra Bộ Quốc phòng chịu sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự quản lý, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

- Thanh tra quốc phòng các cấp chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, chỉ huy của người chỉ huy cùng cấp, sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ của cơ quan Thanh tra quốc phòng cấp trên trực tiếp.

- Quan hệ giữa cơ quan thanh tra trong Bộ Quốc phòng với các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và của Bộ Quốc phòng.

- Quan hệ giữa cơ quan Thanh tra quốc phòng các cấp với các cơ quan thanh tra các bộ, ngành, địa phương là mối quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,037

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]