Tải App trên Android

Tuổi đoàn viên là bao nhiêu tuổi? Các trường hợp xét kết nạp đoàn viên

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
18/01/2023 09:30 AM

Cho tôi hỏi tuổi đoàn viên là bao nhiêu tuổi đến bao nhiêu tuổi và trường hợp nào được xét kết nạp đoàn viên? - Thu Hà (Long An)

Tuổi đoàn viên là bao nhiêu tuổi? Các trường hợp xét kết nạp đoàn viên

Tuổi đoàn viên là bao nhiêu tuổi? Các trường hợp xét kết nạp đoàn viên

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tuổi đoàn viên là bao nhiêu tuổi?

Theo khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khóa X thì thanh niên Việt Nam tuổi từ 16 đến 30, tích cực học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc, được tìm hiểu về Đoàn và tán thành Điều lệ Đoàn, tự nguyện hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đoàn, có lý lịch rõ ràng đều được xét kết nạp vào Đoàn.

Đồng thời, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khóa X quy định về tuổi đoàn viên như sau:

- Đoàn viên quá 30 tuổi, chi đoàn làm lễ trưởng thành Đoàn; nếu có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn, chi đoàn xem xét, quyết định, nhưng không quá 35 tuổi.

- Đoàn viên quá 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn.

Như vậy, tuổi đoàn viên là từ 16 tuổi đến 30 tuổi hoặc tối đa 35 tuổi trong trường hợp có nguyện vọng tiếp tục sinh hoạt Đoàn, chi đoàn xem xét, quyết định; trừ trường hợp được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn.

2. Độ tuổi xét kết nạp vào Đoàn

Theo Hướng dẫn 22 HD/TWĐTN ngày 28/6/2013 quy định về điều kiện trình độ học vấn như sau:

- Tại thời điểm xét kết nạp, người được kết nạp vào Đoàn tuổi từ 16 (từ đủ 15 tuổi + 1 ngày) và không quá 30 tuổi.

- Người được kết nạp vào Đoàn tối thiểu có trình độ tiểu học. Đối với thanh niên là người dân tộc thiểu số, người đang sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì vận dụng linh hoạt.

3. Các trường hợp xét kết nạp đoàn viên

Các trường hợp xét kết nạp đoàn viên theo Hướng dẫn 22 HD/TWĐTN ngày 28/6/2013 gồm:

- Trường hợp thanh niên có nguyện vọng vào Đoàn, hăng hái tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức, có tín nhiệm với thanh niên, nhưng có bố mẹ, anh, chị, em ruột đang bị giam giữ, trước khi xét kết nạp phải xin ý kiến của cấp ủy đảng cùng cấp.

- Trường hợp thanh niên làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức Đoàn, hăng hái tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức ở nơi cư trú, có tín nhiệm với thanh niên và có nguyện vọng vào Đoàn thì chi đoàn nơi cư trú xét, đề nghị, ban chấp hành Đoàn xã, phường, thị trấn ra quyết định chuẩn y kết nạp.

4. Thủ tục kết nạp đoàn viên

Theo Hướng dẫn 22 HD/TWĐTN ngày 28/6/2013 thì thủ tục kết nạp đoàn viên như sau:

- Thanh niên vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tự nguyện viết đơn, báo cáo lý lịch của mình với chi đoàn, chi đoàn cơ sở.

- Được học Điều lệ Đoàn và trang bị những kiến thức cơ bản về Đoàn trước khi kết nạp.

- Được một đoàn viên hoặc một đảng viên (với những nơi chưa có tổ chức Đoàn) giới thiệu. Đoàn viên hoặc đảng viên giới thiệu phải là người cùng công tác, lao động hoặc học tập với người được giới thiệu ít nhất 3 tháng liên tục.

+ Đối với đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh do tập thể chi đội giới thiệu.

+ Đối với hội viên Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam do tập thể chi hội giới thiệu.

+ Đối với hội viên Hội Sinh viên Việt Nam do ban chấp hành chi hội giới thiệu.

- Hội nghị chi đoàn xét kết nạp từng người một với sự biểu quyết tán thành của trên một phần hai số đoàn viên có mặt tại hội nghị và được đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định chuẩn y.

Trường hợp đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu, các đơn vị công tác phân tán không có điều kiện họp được toàn thể chi đoàn, nếu được đoàn cấp trên đồng ý thì việc xét kết nạp có thể do ban chấp hành chi đoàn xét và đoàn cấp trên trực tiếp chuẩn y.

- Trường hợp thanh niên đang học bậc trung học phổ thông nơi chưa có tổ chức chi đoàn thì việc kết nạp đoàn viên do ban chấp hành đoàn trường thực hiện.

5. Quyền ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn đối với đoàn viên

Quyền ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn đối với đoàn viên theo Hướng dẫn 22 HD/TWĐTN ngày 28/6/2013 như sau:

* Quyền ứng cử:

- Đoàn viên có quyền ứng cử để bầu vào ban chấp hành các cấp của Đoàn, dù đoàn viên đó là đại biểu hay không là đại biểu của đại hội.

- Đoàn viên không phải là đại biểu của đại hội, ứng cử vào ban chấp hành Đoàn từ cấp huyện và tương đương trở lên phải gửi đến ban chấp hành cấp triệu tập đại hội đơn xin ứng cử, sơ yếu lý lịch và nhận xét của ban chấp hành Đoàn cấp cơ sở nơi đoàn viên đang sinh hoạt, chậm nhất 15 ngày trước khi đại hội.

- Tại đại hội đoàn viên, mọi đoàn viên đều có quyền ứng cử để bầu làm đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên, trường hợp đoàn viên không có mặt tại đại hội có thể ứng cử bằng đơn.

- Đại biểu chính thức của đại hội đại biểu, hội nghị đại biểu có quyền ứng cử để bầu làm đại biểu đi dự đại hội đại biểu hoặc hội nghị đại biểu Đoàn cấp trên.

* Quyền đề cử:

- Tại đại hội đoàn viên, tất cả đoàn viên đều có quyền đề cử đoàn viên để bầu vào ban chấp hành và bầu làm đại biểu đi dự đại hội đại biểu Đoàn cấp trên.

- Tại đại hội đại biểu, các đại biểu chính thức đều có quyền đề cử những đoàn viên là đại biểu và những đoàn viên không là đại biểu để bầu vào ban chấp hành (trường hợp đề cử cán bộ đoàn ngoài tuổi đoàn viên thì phải là đại biểu chính thức của đại hội) hoặc đề cử đại biểu chính thức vào danh sách bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên.

- Trường hợp bầu trực tiếp bí thư tại đại hội thì đại biểu chính thức có quyền:

+ Đề cử ủy viên ban chấp hành để bầu làm bí thư (theo cách bầu thứ nhất tại Hướng dẫn 22 HD/TWĐTN ngày 28/6/2013);

+ Đề cử đoàn viên là đại biểu hoặc không là đại biểu để bầu làm bí thư (theo cách bầu thứ hai tại Hướng dẫn 22 HD/TWĐTN).

- Các ủy viên ban chấp hành có quyền đề cử ủy viên ban chấp hành để bầu vào ban thường vụ (những nơi không có ban thường vụ thì đề cử để bầu bí thư, phó bí thư), đề cử ủy viên ban thường vụ để bầu làm bí thư, phó bí thư.

- Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội có trách nhiệm báo cáo với đại hội về công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành khóa mới, được quyền giới thiệu danh sách để bầu vào ban chấp hành đoàn khóa mới và đoàn đại biểu dự đại hội đại biểu Đoàn cấp trên.

- Khi đề cử người vào danh sách bầu cử, người đề cử phải cung cấp trích ngang lý lịch của người được đề cử cho đại hội, hội nghị.

* Quyền bầu cử:

Đại biểu chính thức đủ tư cách có quyền bầu cử trong đại hội, hội nghị.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 111,730

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]