Phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
19/11/2022 13:45 PM

Việc phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định như thế nào? - Thanh Hoa (Long An)

Phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam 

Phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam 

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam

Theo Điều 16 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, cơ sở giam giữ có trách nhiệm:

- Kiểm tra thông tin để xác định đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền;

- Lập biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo; tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo (nếu có). 

Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo;

- Chụp ảnh, lập danh bản, chỉ bản và vào sổ theo dõi người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

- Phổ biến, hướng dẫn, giải thích quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và nội quy của cơ sở giam giữ; kiểm tra và xử lý đồ vật mang theo trước khi đưa vào buồng tạm giữ, buồng tạm giam.

2. Phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam

Phân loại quản lý người bị tạm giữ, tạm giam theo Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định như sau:

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại như sau:

+ Người bị tạm giữ;

+ Người bị tạm giam;

+ Người dưới 18 tuổi;

+ Phụ nữ;

+ Người nước ngoài;

+ Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;

+ Người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm;

+ Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia;

+ Người bị kết án tử hình;

+ Người đang chờ chấp hành án phạt tù;

+ Người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ;

+ Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

- Không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

- Trong trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì:

Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng:

+ Người đồng tính, người chuyển giới;

+ Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;

+ Người bị kết án tử hình;

+ Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.

+ Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng.

3. Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam

Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam theo Điều 19 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định như sau:

- Cơ sở giam giữ phải được canh gác, bảo vệ, quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24 giờ trong ngày.

- Người bị tạm giữ phải ở trong buồng tạm giữ; người bị tạm giam phải ở trong buồng tạm giam. 

Khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ thì mới được ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam để thực hiện lệnh trích xuất và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và nội quy của cơ sở giam giữ.

- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế quyền đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.

- Việc điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. 

Thẩm quyền điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định như sau:

+ Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu quyết định;

+ Việc điều chuyển giữa các cơ sở giam giữ không thuộc cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quân khu và tương đương do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cấp quân khu nơi nhận;

+ Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ Công an cấp tỉnh, cấp quân khu với cơ sở giam giữ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quyết định;

+ Việc điều chuyển giữa cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân với cơ sở giam giữ trong Quân đội nhân dân do thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi chuyển đi quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam nơi nhận.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,661

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn