Các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
07/11/2022 14:57 PM

Cho tôi hỏi hiện nay, theo quy định pháp luật thì có những dịch vụ trong lĩnh vực đất đai nào? Và tổ chức nào được thực hiện các dịch vụ đó? - Minh Thùy (TP. HCM)

Các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai

Các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai

Các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 148/2020/NĐ-CP), bao gồm:

- Điều tra, đánh giá đất đai; cải tạo đất;

- Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

- Đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đăng ký, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Tư vấn xác định giá đất;

- Đấu giá quyền sử dụng đất;

- Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

- Cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai, thông tin về thị trường quyền sử dụng đất và thông tin khác về đất đai;

- Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo nhu cầu về thời gian và địa điểm của người yêu cầu cung cấp dịch vụ;

- Các dịch vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Điều 123 Luật Đất đai 2013 quy định về các dịch vụ công điện tử được thực hiện bao gồm:

- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất;

- Thực hiện các giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất;

- Cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai.

2. Cơ quan, tổ chức thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai

Khoản 1, 2 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 148/2020/NĐ-CP) quy định về các cơ quan, tổ chức thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:

2.1 Văn phòng đăng ký đất đai

- Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường:

+ Do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương;

+ Có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng:

+ Thực hiện đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất;

+ Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp được ủy quyền theo quy định;

+ Xây dựng, quản lý, cập nhật, đo đạc, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;

+ Thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

+ Thực hiện các dịch vụ khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phù hợp với năng lực theo quy định của pháp luật;

- Văn phòng đăng ký đất đai có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Khi Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp các dịch vụ thì người yêu cầu cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả chi phí cho việc được cung cấp dịch vụ đó. 

Đối với thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người yêu cầu cung cấp dịch vụ có trách nhiệm:

+ Trả phí thẩm định hồ sơ và thẩm định các điều kiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

+ Trả chi phí đối với các công việc còn lại của thủ tục theo giá cung cấp dịch vụ công do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

2.2 Tổ chức phát triển quỹ đất

- Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công:

+ Được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

+ Có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật;

+ Có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đối với địa phương đã có Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện thì tổ chức lại Tổ chức phát triển quỹ đất trên cơ sở hợp nhất Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện hiện có.

- Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng:

+ Tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất;

+ Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

+ Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;

+ Tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất;

+ Thực hiện các dịch vụ khác.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,276

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn