Tiêu chuẩn chức danh bác sĩ hạng 3

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
12/10/2022 09:07 AM

Tôi muốn biết các tiêu chuẩn đối với chức danh bác sĩ hạng 3 được quy định thế nào? - Ngọc Dương (Cà Mau)

Tiêu chuẩn chức danh bác sĩ hạng 3

Tiêu chuẩn chức danh bác sĩ hạng 3

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là bác sĩ hạng 3?

Theo điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, bác sĩ hạng 3 là một trong ba chức danh thuộc nhóm chức danh bác sĩ.

Cụ thể, nhóm chức danh bác sĩ, bao gồm:

- Bác sĩ cao cấp hạng 1, Mã số: V.08.01.01

- Bác sĩ chính hạng 2, Mã số: V.08.01.02

- Bác sĩ hạng 3, Mã số: V.08.01.03

2. Tiêu chuẩn chức danh bác sĩ hạng 3

2.1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của bác sĩ hạng 3

Cụ thể khoản 5 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với chức danh bác sĩ hạng 3 được quy định như sau:

- Tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành Y học dự phòng); bác sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt.

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

2.2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bác sĩ hạng 3

Đối với tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, bác sĩ hạng 3 phải đáp ứng các tiêu chí được quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV (được bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT), cụ thể như sau:

- Hiểu biết quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; nắm được định hướng phát triển chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành;

- Có kỹ năng chẩn đoán, xử trí, theo dõi và dự phòng các bệnh thường gặp và cấp cứu thông thường;

- Áp dụng y học cổ truyền trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh;

- Thực hiện được công tác tư vấn, giáo dục sức khỏe nhân dân;

- Có kỹ năng giao tiếp, cộng tác với đối tượng phục vụ và đồng nghiệp.

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

3. Điều kiện thăng hạng chức danh cao hơn đối với bác sĩ hạng 3

Theo Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BYT, bác sĩ hạng 3 được đăng ký tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp có cùng 4 chữ số đầu trong mã số chức danh nghề nghiệp với chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc dự xét thăng hạng.

Trừ trường hợp thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp mà chức danh nghề nghiệp đó không có hạng dưới liền kề.

- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức 2010 (sửa đổi 2019).

- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.

- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trường hợp viên chức được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

- Được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hoặc sử dụng viên chức cử tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp.

- Được cấp bằng chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét đối với viên chức dự xét thăng hạng từ hạng III lên hạng II.

4. Nhiệm vụ của bác sĩ hạng 3

Bác sĩ hạng 3 có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, cụ thể như sau:

- Khám bệnh, chữa bệnh:

+ Khám bệnh, chữa bệnh thông thường cho người bệnh;

+ Xử trí cấp cứu thông thường, phát hiện kịp thời bệnh vượt quá khả năng điều trị báo cáo bác sĩ cấp cao hơn để có hướng xử trí hoặc chuyển đi điều trị ở tuyến trên hoặc theo lĩnh vực chuyên khoa;

+ Tham gia hội chẩn chuyên môn;

+ Thực hiện quản lý và cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh: phát hiện và báo cáo sai sót chuyên môn kỹ thuật, tham gia giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn được giao.

- Thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe:

+ Xác định nhu cầu và những nội dung cần hướng dẫn, giáo dục sức khỏe;

+ Thực hiện tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe; đánh giá hoạt động tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe;

+ Đề xuất biện pháp quản lý sức khỏe trong phạm vi được giao.

- Tư vấn cho người bệnh hoặc gia đình người bệnh lựa chọn các dịch vụ y tế phù hợp;

- Vận hành và sử dụng được thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, can thiệp điều trị, cấp cứu trong phạm vi được giao;

- Tham gia giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần thuộc chuyên khoa hoặc lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật;

- Tham gia công tác chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật, triển khai phòng chống dịch và bệnh xã hội khi được giao; tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến y tế cơ sở;

- Đào tạo và nghiên cứu khoa học về y học:

+ Tham gia biên soạn tài liệu chuyên môn; tham gia xây dựng quy chế, quy trình kỹ thuật chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao;

+ Tham gia hướng dẫn viên chức, học sinh, sinh viên chuyên ngành y;

+ Tham gia hoặc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 54,562

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]