Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Bộ luật Hình sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
05/10/2022 12:06 PM

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ tôi có quan hệ bất chính với người đàn ông khác thì có bị xem là vi phạm chế độ một vợ một chồng không? – Quốc Hoài (Đà Nẵng)

Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Bộ luật Hình sự

Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Bộ luật Hình sự

1. Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo Bộ luật Hình sự

Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt như sau:

* Khung 1:

Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

* Khung 2:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

2. Mức phạt hành chính hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng

Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì người có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với các hành vi sau:

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

(Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)

3. Thế nào là chung sống như vợ chồng?

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

Hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn cho hành vi chung sống như vợ chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Quý khách hàng có thể tham khảo hướng dẫn hành vi chung sống như vợ chồng trong Luật Hôn nhân và gia đình 2000 tại Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, cụ thể:

Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;

- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;

- Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 60,637

Bài viết về

lĩnh vực Hôn nhân gia đình – Thừa kế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]