04 trường hợp NLĐ phải bồi thường cho doanh nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Thanh Lợi
15/06/2020 15:32 PM

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết giữa người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp, NLĐ phải bồi thường cho doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

Các trường hợp NLĐ phải bồi thường cho doanh nghiệp

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trường hợp 1: Bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

NLĐ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải bồi thường cho doanh nghiệp nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho doanh nghiệp một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước.

Căn cứ pháp lý: Điều 43 Bộ luật lao động 2012.

Trường hợp 2: Bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp

NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

- Trường hợp NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc, thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật lao động 2012.

- Trường hợp do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi NLĐ làm việc do Chính phủ công bố thì NLĐ phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm đã giao kết.

Tuy nhiên, trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì NLĐ không phải bồi thường.

Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 130 Bộ luật lao động 2012.

Trường hợp 3: Bồi thường do làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp

NLĐ phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của doanh nghiệp hoặc tài sản khác do doanh nghiệp giao;

- Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của doanh nghiệp.

Trường hợp NLĐ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà có hợp đồng trách nhiệm với doanh nghiệp thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm đã giao kết.

Nếu thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì NLĐ không phải bồi thường.

Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 130 Bộ luật lao động 2012.

Trường hợp 4: Bồi thường do vi phạm thỏa thuận về bí mật kinh doanh, công nghệ của doanh nghiệp

Khoản 2 Điều 23 Bộ luật lao động 2012 có quy định:

"2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm."

Do đó, trường hợp NLĐ và doanh nghiệp có thỏa thuận bằng văn bản về việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ mà vi phạm thỏa thuận thì phải bồi thường. Mức bồi thường cụ thể thực hiện theo thỏa thuận đã giao kết.

Ngoài ra, trường hợp NLĐ và doanh nghiệp có giao kết hợp đồng đào tạo nghề; theo đó, NLĐ được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của doanh nghiệp, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho doanh nghiệp. Nhưng sau đó NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo nghề đã giao kết thì phải hoàn trả lại chi phí đào tạo cho doanh nghiệp.

Chi phí đào tạo gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp NLĐ được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Thanh Lợi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,812

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn