Hướng dẫn viết bản kiểm điểm đảng viên cuối năm mới nhất 2023 (Hướng dẫn 25-HD/BTCTW)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
30/11/2023 17:17 PM

Mẫu bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2023 mới nhất là mẫu nào? Khi viết kiểm điểm đảng viên cuối năm 2023 theo Hướng dẫn 25-HD/BTCTW cần lưu ý những nội dung gì?

Hướng dẫn viết bản kiểm điểm đảng viên cuối năm

Hướng dẫn viết bản kiểm điểm đảng viên cuối năm

Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn 25-HD/BTCTW ngày 10/11/2023 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Dưới đây là mẫu bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2023 và những lưu ý khi viết bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2023:

Mẫu bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2023

Theo Hướng dẫn 25-HD/BTCTW, mẫu bản kiểm điểm đảng viên cuối năm được quy định như sau:

Mỗi cá nhân đảng viên làm 1 bản tự kiểm điểm theo Mẫu 2A, 2B, trong đó:

- Mẫu 02A-HD KĐ.ĐG 2023: Bản kiểm điểm cá nhân (với cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý)

Mẫu 02A

- Mẫu 02B-HD KĐ.ĐG 2023: Bản kiểm điểm cá nhân (với cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý)

Mẫu 02B

Như vậy, theo Hướng dẫn 25-HD/BTCTW thì mẫu bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2023 được chia thành 2 bản với 2 đối tượng nêu trên, trong khi Mẫu 02-HD KĐ.ĐG 2019 (theo Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2019) thì chỉ có 1 bản kiểm điểm đảng viên cuối năm).

Đối tượng và nội dung kiểm điểm đảng viên cuối năm 2023

Theo Quy định 124-QĐ/TW năm 2023, đối tượng cá nhân (đảng viên) làm kiểm điểm cuối năm gồm:

- Đảng viên trong toàn Đảng (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng; đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng; đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng).

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nội dung kiểm điểm đảng viên cuối năm như sau:

**Cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

- Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm nêu gương, việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; tác phong, lề lối làm việc. Liên hệ các biểu hiện về suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

- Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm.

- Việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.

- Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được cấp có thẩm quyền kết luận và được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước (nếu có).

**Cá nhân giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Kiểm điểm nội dung như đối với cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và các nội dung sau:

- Kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thực hiện chức trách, nhiệm vụ; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý; khả năng quy tụ, xây dựng đoàn kết nội bộ.

- Trách nhiệm trong công việc; tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ.

- Trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Ngoài những nội dung trên, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, cá nhân phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi có dấu hiệu vi phạm; để xảy ra những vấn đề bức xúc, phức tạp, dư luận quan tâm; có đơn, thư khiếu nại, tố cáo; biểu hiện mất đoàn kết nội bộ; vi phạm nguyên tắc, quy định của Đảng; biểu hiện "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; có tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý bị kỷ luật, khởi tố; trì trệ, yếu kém, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hướng dẫn viết bản kiểm điểm đảng viên cuối năm mới nhất 2023 (Hướng dẫn 25-HD/BTCTW)

**Tại điểm 1.3, khoản 1 Hướng dẫn 25-HD/BTCTW về gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân, thực hiện như sau:

- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi cần thiết.

- Ban thường vụ cấp ủy các cấp gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền (nếu cần).

- Ban tổ chức cấp ủy hoặc cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với ủy ban kiểm tra cùng cấp và các cơ quan có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền về những tập thể, cá nhân cần gợi ý kiểm điểm và nội dung gợi ý kiểm điểm.

**Tại điểm 2.3 Hướng dẫn 25-HD/BTCTW, quy định việc kiểm điểm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện như sau:

- Kiểm điểm tại chi bộ nơi đang sinh hoạt đảng.

- Kiểm điểm tại tập thể lãnh đạo, quản lý nơi đang công tác.

- Cán bộ, công chức, viên chức giữ nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngoài việc kiểm điểm tại chi bộ nơi đang sinh hoạt đảng và tập thể lãnh đạo, quản lý nơi đang công tác thì phải thực hiện việc kiểm điểm tại nơi đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo đối tượng được quy định tại Điều 5, Quy định 124-QĐ/TW.

- Cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý tương đương thì kiểm điểm ở nơi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thời gian công tác nhiều hơn. Đối với cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý và đảm nhiệm vị trí người đứng đầu có trách nhiệm chỉ đạo và chủ trì việc kiểm điểm của tổ chức, cơ quan, đơn vị theo quy định.

- Trường hợp kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác không thực hiện nhiệm vụ chuyên trách thì không kiểm điểm ở tổ chức, cơ quan, đơn vị đó nhưng phải báo cáo kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ kiêm nhiệm được giao đối với cả nơi công tác kiêm nhiệm và nơi công tác chính. Tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ kiêm nhiệm có trách nhiệm gửi nhận xét, đánh giá về nơi công tác chính để làm căn cứ đánh giá, xếp loại theo quy định.

Hướng dẫn viết bản kiểm điểm đảng viên cuối năm với đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

(1) Họ và tên: Viết in hoa (Ví dụ: NGUYỄN VĂN A)

(2) Ngày sinh: Viết dạng dd/mm/yyyy (Ví dụ: 01/07/1995)

(3) Đơn vị công tác: Viết tên đơn vị đang công tác

(4) Chi bộ: Viết tên chi bộ nơi đang sinh hoạt (Ví dụ: Chi bộ ấp Cây Sao)

(5) Tự đánh giá về ưu điểm, kết quả đạt được:

(5.1) Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm nêu gương, việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; tác phong, lề lối làm việc. Liên hệ các biểu hiện về suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Tự đánh giá về cấp độ thực hiện: Chọn 1 trong các mức độ (Xuất sắc; Tốt; Trung bình; Kém)

(5.2) Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm.

Tự đánh giá về cấp độ thực hiện: Chọn 1 trong các mức độ (Xuất sắc; Tốt; Trung bình; Kém)

(5.3) Việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm

(6) Hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân

(6.1) Hạn chế, khuyết điểm

Ví dụ: Còn vắng họp chi bộ nhiều lần trong năm, còn vắng học nghị quyết, còn rụt rè, chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến trong các cuộc họp của chi bộ.

(6.2) Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm

Ví dụ: Do đi làm ăn xa nên không thể tham dự họp chi bộ, học nghị quyết đầy đủ; chưa sắp xếp được thời gian làm việc và sinh hoạt chi bộ,…

(7) Kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc chỉ ra ở các kỳ kiểm điểm trước

Kiểm điểm rõ từng hạn chế, khuyết điểm (đã được khắc phục; đang khắc phục, mức độ khắc phục; chưa được khắc phục); những khó khăn, vướng mắc (nếu có); trách nhiệm cá nhân.

Đảng viên tự đánh giá về cấp độ thực hiện: Chọn 1 trong các mức độ (Xuất sắc; Tốt; Trung bình; Kém)

(8) Giải trình về những vấn đề được gợi ý kiểm điểm (nếu có)

Giải trình từng vấn đề được gợi ý kiểm điểm, nêu nguyên nhân và xác định trách nhiệm của cá nhân với từng vấn đề được gợi ý kiểm điểm.

(9) Làm rõ trách nhiệm của cá nhân với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể (nếu có)

(10) Phương hướng, biện pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm

Ví dụ: Sẽ cố gắng sắp xếp thời gian công việc, học tập một cách hợp lý để tham dự đầy đủ các buổi họp chi bộ, học nghị quyết; Mạnh dạn phát biểu ý kiến trong các buổi sinh hoạt chi bộ.

(11) Tự nhận mức xếp loại chất lượng

Chọn 1 trong các mức xếp loại (Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoàn thành nhiệm vụ, Không hoàn thành nhiệm vụ)

(12) Ký và ghi rõ họ tên của đảng viên làm đánh giá

Hướng dẫn chuẩn bị kiểm điểm đảng viên cuối năm 2023

**Đối với người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm tập thể và lấy ý kiến tham gia, góp ý của các tập thể, cá nhân có liên quan; Cá nhân chuẩn bị bản tự kiểm điểm theo nội dung quy định, việc chuẩn bị kiểm điểm, thực hiện như sau:

- Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể theo Mẫu 01 và lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cơ quan, đơn vị cùng cấp có liên quan. Dự thảo báo cáo kiểm điểm gửi trước cho các thành viên tham gia hội nghị kiểm điểm ít nhất 03 ngày làm việc.

- Mỗi cá nhân làm một bản tự kiểm điểm theo Mẫu 2A, 2B.

- Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp thành lập đoàn (hoặc tổ) công tác dự, chỉ đạo kiểm điểm ở những nơi có gợi ý kiểm điểm; phân công cấp ủy viên, cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy dự, chỉ đạo, tổng hợp kết quả kiểm điểm ở cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý cấp dưới và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Thời gian tổ chức kiểm điểm của tập thể, cá nhân ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý trực thuộc Trung ương tối thiểu là 02 ngày. Đối với những nơi Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm thì thời gian kiểm điểm tối thiểu là 03 ngày. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương quy định thời gian kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý.

**Cấp trên gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân theo phân cấp quản lý khi cần thiết, thực hiện như sau:

- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi cần thiết.

- Ban thường vụ cấp ủy các cấp gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan theo thẩm quyền (nếu cần).

- Ban tổ chức cấp ủy hoặc cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban kiểm tra cùng cấp và các cơ quan có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền về những tập thể, cá nhân cần gợi ý kiểm điểm và nội dung gợi ý kiểm điểm.

Xem thêm:

>> Mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể chi bộ mới nhất 2023? Các bước kiểm điểm tập thể chi bộ

>> Mẫu kiểm điểm cá nhân đảng viên 2023

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 330,501

Bài viết về

Kiểm điểm đảng viên, tập thể

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn