Cách viết ưu điểm, kết quả đạt được trong Báo cáo kiểm điểm Chi ủy, Chi bộ cuối năm 2024 (Hình từ internet)
Mẫu báo cáo kiểm điểm Chi ủy, Chi bộ cuối năm 2024 là mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể.
Mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể hiện nay là Mẫu 01-HD KĐ.ĐG 2023 ban hành kèm theo Hướng dẫn 25-HD/BTCTW năm 2023.
Mẫu 01-HD KĐ.ĐG 2023 |
Trong đó, cách viết ưu điểm, kết quả đạt được trong mẫu báo cáo kiểm điểm tập thể cuối năm 2024 như sau:
(1) Việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện quy chế làm việc.
- Việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và hoạt động: Đã tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động theo đúng quy định, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Các quyết định quan trọng đều được thảo luận dân chủ, đảm bảo ý kiến của các thành viên được lắng nghe và tôn trọng.
- Thực hiện quy chế làm việc: Đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc quy chế làm việc. Các quy trình công việc được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo tính hiệu quả và kỷ luật trong hoạt động tập thể.
(2) Kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong nghị quyết đại hội, kế hoạch, chương trình công tác năm được cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt.
- Mục tiêu và chỉ tiêu: Hầu hết các mục tiêu và chỉ tiêu đều được hoàn thành hoặc tiến triển tốt, đáp ứng yêu cầu đề ra. Đã chỉ đạo và phối hợp hiệu quả với các bộ phận liên quan, đảm bảo tính đồng bộ và sự tham gia tích cực của tập thể.
- Chương trình công tác: Các chương trình công tác được thực hiện đầy đủ, có kiểm tra và giám sát thường xuyên nhằm duy trì chất lượng và hiệu quả. Những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai đã được xử lý kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng của công việc.
(3) Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; trách nhiệm nêu gương; trách nhiệm giải trình; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân.
- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Luôn chú trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là củng cố tổ chức và phát triển hệ thống chính trị vững mạnh. Đã triển khai các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị cho đảng viên, tăng cường đoàn kết nội bộ và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
- Trách nhiệm nêu gương và trách nhiệm giải trình: Trong quá trình công tác, Chi ủy, chi bộ duy trì trách nhiệm giải trình với tập thể, kịp thời giải đáp các thắc mắc và ý kiến của đảng viên.
- Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí: Tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và lãng phí thông qua tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm của đảng viên.
- Ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Đã tổ chức các buổi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chính trị và lối sống lành mạnh cho đảng viên.
- Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng: Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của đảng viên, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân: Luôn tiếp nhận và xử lý kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh của đảng viên cũng như các tổ chức, cá nhân.
(4) Trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức: Tập thể luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các chương trình, kế hoạch công tác được triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, cơ quan, tổ chức.
Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể thực hiện theo 3 bước:
- Bước 1: Tập thể, cá nhân tự đánh giá, xếp loại.
Căn cứ tiêu chí xếp loại, từng tổ chức, tập thể, cá nhân tự phân tích chất lượng và xếp loại vào 1 trong 4 mức theo quy định.
- Bước 2: Thẩm định và đề xuất mức xếp loại.
Trên cơ sở kết quả tự đánh giá, xếp loại của tập thể, cá nhân và ý kiến tham gia của cơ quan có liên quan, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ thẩm định và đề xuất mức xếp loại chất lượng.
- Bước 3: Cấp có thẩm quyền quyết định xếp loại chất lượng.
Đối với những tập thể, cá nhân sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng nếu có đơn, thư khiếu nại, tố cáo, có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước, mất đoàn kết nội bộ thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xác minh, thẩm định, xem xét lại kết quả đánh giá, xếp loại.
(Khoản 2 Điều 11 Quy định 124-QĐ/TW năm 2023)