Cách tính thời hạn trong hoạt động sở hữu công nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
28/08/2023 15:00 PM

Xin hỏi cách tính thời hạn trong hoạt động sở hữu công nghiệp được quy định như thế nào? Quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được quy định thế nào? - Bảo Nhân (Long An)

Cách tính thời hạn trong hoạt động sở hữu công nghiệp (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cách tính thời hạn trong hoạt động sở hữu công nghiệp

Theo Điều 15 Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn cách tính thời gian trong hoạt động sở hữu công nghiệp như sau:

- Cách tính thời hạn trong hoạt động sở hữu công nghiệp được thực hiện theo quy định về thời hạn của Bộ luật dân sự.

- Thời hạn dành cho người nộp đơn và bên liên quan tiến hành việc nộp, sửa đổi, bổ sung tài liệu hoặc có ý kiến có thể được gia hạn một lần bằng đúng thời hạn đã được ấn định trong thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp, với điều kiện người yêu cầu gia hạn phải nộp văn bản yêu cầu gia hạn trước ngày kết thúc thời hạn ấn định và nộp lệ phí yêu cầu gia hạn theo quy định.

- Không tính vào thời hạn khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình trong phạm vi thời hạn nếu tổ chức, cá nhân đó có yêu cầu và có chứng cứ xác đáng chứng minh tình trạng đó. 

Trường hợp yêu cầu được chấp nhận, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định, thông báo thu hồi quyết định, thông báo đã ban hành với lý do tổ chức, cá nhân không thực hiện quyền và nghĩa vụ đúng thời hạn và khôi phục quá trình xử lý đơn trở về tình trạng như chưa kết thúc thời hạn.

- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được (ví dụ thiên tai, địch họa v.v...) và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động (ví dụ: ốm đau, đi công tác, học tập ở nơi xa v.v...) làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu

Quyền ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quy định tại Điều 91 của Luật Sở hữu trí tuệ được áp dụng như sau:

(i) Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

(i.1) Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước thành viên Công ước Paris hoặc công dân của nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên Công ước Paris;

(i.2) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;

(i.3) Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;

(i.4) Trong đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên nêu tại điểm (i.2) trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên. Bản sao đơn đầu tiên có thể được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nộp đơn;

(i.5) Nộp đủ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

(ii) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris theo quy định tại điểm (i.2) là đơn đủ điều kiện để xác nhận ngày đơn đó được nộp tại nước thành viên liên quan, không phụ thuộc vào kết quả xử lý đơn đó.

(iii) Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước quốc tế đó.

(Điều 12 Nghị định 65/2023/NĐ-CP

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 840

Bài viết về

lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn