Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
05/02/2024 13:00 PM

Xin hỏi việc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện trong các trường hợp nào và thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ thực hiện ra sao? - Ngọc Linh (Hà Nội)

Các trường hợp đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thì hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:

(1) Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;

(2) Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;

(3) Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.hợp đồng chuyển giao công nghệ

Bên cạnh đó, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp phải đăng ký nêu trên.

Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ (Hình từ internet)

Hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ gồm những gì?

Căn cứ Khoản 3 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ bao gồm:

- Văn bản đề nghị đăng ký chuyển giao công nghệ, trong đó ghi rõ cam kết trách nhiệm của các bên bảo đảm nội dung hợp đồng tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;

- Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết chuyển giao công nghệ thể hiện nội dung sau đây:

+ Tên công nghệ được chuyển giao.

+ Đối tượng công nghệ được chuyển giao, sản phẩm do công nghệ tạo ra, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

+ Chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.

+ Phương thức chuyển giao công nghệ.

+ Quyền và nghĩa vụ của các bên.

+ Giá, phương thức thanh toán.

+ Thời hạn, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

+ Khái niệm, thuật ngữ sử dụng trong hợp đồng (nếu có).

+ Kế hoạch, tiến độ chuyển giao công nghệ, địa điểm thực hiện chuyển giao công nghệ.

+ Trách nhiệm bảo hành công nghệ được chuyển giao.

+ Phạt vi phạm hợp đồng.

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

+ Cơ quan giải quyết tranh chấp.

+ Nội dung khác do các bên thỏa thuận.

Lưu ý, trường hợp không có văn bản giao kết bằng tiếng Việt thì phải có bản dịch sang tiếng Việt và được công chứng hoặc chứng thực.

Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ

Căn cứ Khoản 4, 5, 6 Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ký văn bản giao kết chuyển giao công nghệ, bên có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký chuyển giao công nghệ gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ trong trường hợp sau đây:

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ hạn chế chuyển giao;

- Hợp đồng không có đối tượng công nghệ, nội dung chuyển giao công nghệ;

- Nội dung hợp đồng trái với quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 573

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn