09 chính sách về cán bộ, công chức cấp xã sắp được sửa đổi

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
28/03/2023 10:24 AM

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trong đó đề xuất sửa đổi một số chính sách về cán bộ, công chức cấp xã.

03 chính sách về cán bộ, công chức cấp xã sắp được sửa đổi

09 chính sách về cán bộ, công chức cấp xã sắp được sửa đổi (Hình từ internet)

1. Công chức cấp xã không còn chức danh Trưởng Công an xã (Đề xuất)

Theo dự thảo Nghị định, các chức danh công chức cấp xã bao gồm:

- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự;

- Văn phòng – thống kê;

- Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);

- Tài chính – kế toán;

- Tư pháp – hộ tịch;

- Văn hóa – xã hội.

Như vậy, so với hiện hành thì tại dự thảo Nghị định, công chức cấp xã không còn chức danh Trưởng công an xã.

Không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã do đã bố trí Công an chính quy ở xã (theo Nghị định 42/2021/NĐ-CP).

2. Tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (Đề xuất)

Theo dự thảo Nghị định, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách Trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:

- Đơn vị hành chính cấp xã loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở; (Hiện nay là 16,0 lần mức lương cơ sở)

- Đơn vị hành chính cấp xã loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở; (Hiện nay là 18,0 lần mức lương cơ sở)

- Đơn vị hành chính cấp xã loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở. (Hiện nay là 15,0 lần mức lương cơ sở)

Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định này thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tăng thêm tương ứng (1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm).

3. Giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã loại 1, 2, 3

Điều 6 dự thảo Nghị định quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:

- Đối với xã, thị trấn:

+ Loại I là 22 người; (Hiện hành là 23 người)

+ Loại II là 20 người; (Hiện hành là 21 người)

+ Loại III là 18 người; (Hiện hành là 19)

- Đối với phường:

+ Loại I là 23 người;

+ Loại II là 21 người;

+ Loại III là 19 người.

Như vậy, dự thảo Nghị định đã đề xuất giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã loại 1, 2, 3.

4. Tăng số lượng công chức cấp xã ở một số địa phương đông dân

Tại Điều 6 dự thảo Nghị định quy định, ở những đơn vị hành chính cấp xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã quy định tại các Điều 3, 8, 9 và 11 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15) được tăng thêm số lượng công chức ở cấp xã như sau:

- Phường thuộc quận: Cứ tăng thêm đủ 5.000 người được tính thêm 01 công chức;

- Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: Cứ tăng thêm đủ 3.500 người được tính thêm 01 công chức;

- Phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao: Cứ tăng thêm đủ 2.500 người được tính thêm 01 công chức;

- Thị trấn và xã đồng bằng: Cứ tăng thêm đủ 4.000 người được tính thêm 01 công chức;

- Xã và thị trấn ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.600 người được tính thêm 01 công chức;

- Phường ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.400 người được tính thêm 01 công chức.

Như vậy, dự thảo Nghị định đã đề xuất tăng số lượng công chức cấp xã tại những đơn vị hành chính này.

5. Đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn của công chức cấp xã

dự thảo Nghị định đã sửa đổi một số tiêu chuẩn của công chức cấp xã so với Thông tư 13/2019/TT-BNV (được sửa đổi bởi Thông tư 04/2022/TT-BNV), đơn cử như:

- Tiêu chuẩn cụ thể của công chức Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về Quân sự

- Bỏ tiêu chuẩn về trình độ tin học.

- Chỉ yêu cầu tốt nghiệp đại học trở lên còn ngành đào tạo thì sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp xã quy định căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh.

- Bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có quyền quyết định:

+ Tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại địa bàn cấp xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

+ Ngành đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã;

+ Xây dựng kế hoạch tạo nguồn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã về quản lý nhà nước, lý luận chính trị; ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc thiểu số (đối với địa bàn công tác phải sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong hoạt động công vụ), thực hiện các chế độ chính sách và tinh giản biên chế.

Xem chi tiết: Đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã

6. Đề xuất sửa đổi các trường hợp tiếp nhận vào làm công chức cấp xã không qua thi tuyển

Theo Điều 14 dự thảo Nghị định, các trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức cấp xã không qua thi tuyển bao gồm:

- Viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập;

- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu nhưng không phải là công chức;

- Người thôi giữ chức vụ cán bộ ở cấp xã (trừ trường hợp vi phạm kỷ luật thôi giữ chức vụ) và người đã từng là cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, tiếp nhận vào làm công chức hoặc điều động sang đơn vị hành chính cấp xã khác trong cùng cấp huyện (nếu còn vị trí chức danh công chức và đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định này); trường hợp không còn vị trí chức danh công chức cấp xã thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 112/2011/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 34/2019/NĐ-CP), các trường hợp tiếp nhận vào làm công chức cấp xã không qua thi tuyển bao gồm:

- Người tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi ở trong nước hoặc đạt loại khá trở lên ở nước ngoài, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng;

- Người có trình độ từ đại học trở lên có chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và có ít nhất 05 năm công tác trong lĩnh vực cần tuyển dụng.

7. Sửa đổi cách xếp lương với cán bộ, công chức cấp xã

Hiện nay

(Điều 10 Thông tư 13/2019/TT-BNV)

Đề xuất

(Điều 16 dự thảo Nghị định)

- Phân chia cụ thể cách xếp lương theo từng trình độ đào tạo:

Tốt nghiệp đại học trở lên: Xếp lương theo ngạch chuyên viên (công chức loại A1).

Tốt nghiệp cao đẳng: Xếp lương theo ngạch cán sự (công chức loại A0).

Tốt nghiệp trung cấp: Xếp lương theo ngạch nhân viên (công chức loại B).

Cán bộ, công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo quy định tại bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.

8. Sửa quy định về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Theo khoản 1 Điều 33 dự thảo Nghị định, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:

- Loại I là 14 người; (Hiện hành là tối đa 14 người)

- Loại II là 12 người; (Hiện hành là tối đa 12 người)

- Loại III là 10 người. (Hiện hành là tối đa 10 người)

9. Đề xuất tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã một số địa phương đông dân

Khoản 2 Điều 33 dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định sau: Ở những đơn vị hành chính cấp xã có dân số lớn hơn so với tiêu chuẩn về quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã quy định tại các điều 3, 8, 9 và 11 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi tại Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15) được tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã như sau:

- Phường thuộc quận: Cứ tăng thêm đủ 5.000 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;

- Phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương: Cứ tăng thêm đủ 3.500 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;

- Phường thuộc thị xã và xã miền núi, vùng cao: Cứ tăng thêm đủ 2.500 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;

- Thị trấn và xã đồng bằng: Cứ tăng thêm đủ 4.000 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;

- Xã và thị trấn ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.600 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách;

- Phường ở hải đảo: Cứ tăng thêm đủ 1.400 người được tính thêm 01 người hoạt động không chuyên trách.

Như vậy, dự thảo Nghị định đã đề xuất tăng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã một số địa phương trên.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,610

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn