Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
15/11/2022 18:04 PM

Xin cho tôi hỏi giám định viên pháp y là ai? Cá nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn như thế nào để được bổ nhiệm giám định viên pháp y? - Thành Pháp (Bình Dương)

Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y mới nhất

Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y mới nhất

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ trưởng Bộ y tế ban hành Thông tư 11/2022/TT-BYT ngày 01/11/2022 quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên y tâm thần.

Trong đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y đã được điều chỉnh so với Thông tư 02/2014/TT-BYT.

1. Giám định viên pháp y là ai?

Giám định viên pháp y là một ngành nằm trong giám định viên tư pháp. Cụ thể tại khoản 6 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn theo quy định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp.

Trong đó, giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Ngoài ra còn để thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định Luật Giám định tư pháp.

(Khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020))

2. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên pháp y mới nhất

Theo Điều 3 Thông tư 11/2022/TT-BYT, công dân thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn chung quy định tại mục 3, không thuộc trường hợp quy định tại mục 4 và đáp ứng các điều kiện sau đây:

(1) Trình độ chuyên môn:

Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo quy định tại Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT. Trong đó, đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp ý thì chuyên ngành đào tạo phải nằm trong các nhóm ngành sau đây:

- Nhóm ngành đào tạo y học (trừ ngành đào tạo y học dự phòng) đối với người thực hiện giám định về lĩnh vực pháp y.

- Nhóm ngành đào tạo dược học, ngành đào tạo hóa học đối với người thực hiện giám định pháp y về lĩnh vực độc chất.

- Nhóm ngành đào tạo sinh học, sinh học ứng dụng đối với người thực hiện giám định pháp y về lĩnh vực y sinh.

- Nhóm ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực giám định pháp y khác.

So với Thông tư 02/2014/TT-BYT, thì quy định trên đã quy định chi tiết và phân định rõ các nhóm ngành đào tạo tương ứng với từng lĩnh vực giám định pháp y.

(Quy định hiện hành tại Thông tư 02/2014/TT-BYT thì giám định viên pháp y phải là bác sỹ, dược sỹ đại học hoặc tốt nghiệp đại học trở lên các chuyên ngành khác phù hợp với lĩnh vực giám định pháp y)

(2) Nghiệp vụ giám định: Người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y phải có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ giám định pháp y do Viện Pháp y Quốc gia cấp.

(Theo Thông tư 02/2014/TT-BYT (trước khi bị bãi bỏ tại Thông tư 06/2019/TT-BYT), người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y phải chứng chỉ do Viện Pháp y Quốc gia hoặc cơ sở đào tạo có Bộ môn Pháp y cấp cho người tham gia khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định từ đủ 03 tháng trở lên theo chương trình đào tạo đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Người đã có bằng hoặc chứng chỉ định hướng chuyên khoa trở lên về pháp y, thì không phải qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.)

* Thời gian thực tế hoạt động chuyên môn:

Người được bổ nhiệm giám định viên pháp y phải có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo theo quy định tại (1) này từ đủ 05 năm trở lên.

Trường hợp đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 03 năm trở lên.

3. Tiêu chuẩn chung bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn được quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020) thì có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

- Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;

- Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

4. Các trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Theo khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Thông tư 11/2022/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2022.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,675

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn