Giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất trồng lúa trong thời kỳ 2021-2030

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
13/11/2021 14:48 PM

Sáng 13-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, với tổng số 473/460 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 92,18% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết.

Nghị quyết gồm 5 điều, trong đó Quốc hội nhất trí với mục tiêu bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đồng thời, bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất trồng lúa; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%.

Trong báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, quy hoạch đất trồng lúa được tính toán trên cơ sở bảo đảm nhu cầu lương thực của quốc gia trong thời kỳ quy hoạch, đồng thời bám sát Kết luận số 81-KL/TƯ ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; cơ bản bám sát các định hướng phát triển kinh tế các vùng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), phù hợp với tiềm năng đất đai từng vùng, địa phương trong phát triển đất trồng lúa.

“Về chuyển đổi đất trồng lúa, trên thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi tối đa 300.000ha đất trồng lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết. Đồng thời, nêu rõ hạn chế việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp”, đồng chí Vũ Hồng Thanh thông tin.

Về định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2050, Nghị quyết xác định rõ các nội dung về việc bố trí định hướng không gian sử dụng đất theo vùng lãnh thổ.

Trong đó, đối với vùng Đồng bằng sông Hồng: Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; tập trung phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại.

Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các đầu mối liên kết giao thông quan trọng. Phát triển vùng lúa chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở khu vực phía Nam của vùng.

Về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, Quốc hội nhất trí sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan (trong đó có chính sách về tài chính đất đai) để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều giữa các vùng miền; hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống, sinh kế tốt hơn, quan tâm phúc lợi xã hội cho người chưa đến tuổi lao động, không còn tuổi lao động và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền được phân cấp; quan tâm thu hút đầu tư, phát triển tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.

Cùng với đó là đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện, kết nối liên thông hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất, trong đó có dữ liệu về quy hoạch quản lý cập nhật biến động đến từng thửa đất, công bố công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đình Hiệp

Theo Hànộimới

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,585

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn