BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 81-KL/TW
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 7 năm 2020
|
KẾT LUẬN
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
VỀ BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030
Ngày 03/7/2020, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận
số 53-KL/TW, ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị khóa X về Đề án an ninh lương thực
quốc gia đến năm 2020 và ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị kết
luận:
I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ
Chính trị, đã đạt nhiều thành quả to lớn về bảo đảm vững chắc an ninh lương thực
quốc gia, góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện
đời sống của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Sản xuất lương thực, thực
phẩm liên tục phát triển; sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn năm 2009 lên
43,45 triệu tấn năm 2019, lương thực bình quân tăng từ 497 kg/người/năm lên
trên 525 kg/người/năm; sản lượng thịt hơi các loại tăng 1,3 lần, sữa tăng 3,36
lần, trứng tăng 2,13 lần; sản lượng thủy sản tăng 1,7 lần; tình trạng trẻ em
thiếu dinh dưỡng giảm từ 18,2% giai đoạn 2004 - 2006 xuống còn 10,8% năm 2019.
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, lưu thông, dự trữ lương thực, thực phẩm
được nâng cấp; năng lực sản xuất, lưu thông được nâng cao, các kênh phân phối
được mở rộng, hoàn thiện; khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm của nhân dân
không ngừng được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số địa
phương việc tổ chức sản xuất chưa theo quy hoạch sử dụng đất. Việc quản lý, sử
dụng đất lúa thiếu hiệu quả; còn chạy theo số lượng, chưa quan tâm đúng mức tới
đầu tư nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu; giá trị gia tăng, thu nhập của
người trồng lúa thấp, đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Tổ chức sản xuất,
chế biến, thương mại, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập.
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ chưa đáp ứng được
yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ cao còn hạn
chế, cơ giới hóa, tự động hóa chưa mạnh, chưa tạo được đột phá để giảm chi phí
sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm; chế biến sâu chưa
nhiều, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Việc cải thiện tầm vóc, thể trạng người
Việt Nam còn chậm. Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm cấp hộ gia đình chưa vững
chắc. Việc tiếp cận thực phẩm đa dạng, kịp thời, đủ dinh dưỡng vẫn là thách thức
với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có cả nguyên nhân
khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của
một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chưa
quan tâm đúng mức về bảo đảm an ninh lương thực; còn chủ quan, hoặc cứng nhắc
trong thực hiện các nội dung, giải pháp bảo đảm an ninh lương thực. Cơ chế,
chính sách bảo đảm an ninh lương thực còn bất cập; chưa thực hiện tốt chính
sách đất đai, hỗ trợ nông dân, địa phương, doanh nghiệp trồng lúa, bảo hiểm
nông nghiệp. Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn chậm được
hoàn thiện, chưa thích ứng cao với cơ chế kinh tế thị trường. Sự phân công, phối
hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện,
kiểm tra, giám sát về an ninh lương thực chưa đầy đủ, cụ thể. Phát triển công
nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp còn hạn chế. Công tác nghiên cứu về an ninh
lương thực, an ninh dinh dưỡng chưa được triển khai toàn diện.
II- MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030
An ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề quan trọng,
thiết yếu của đất nước cả trước mắt và lâu dài, khi nguồn cung tiếp tục chịu
tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an
ninh nguồn nước, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Để bảo
đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy,
tổ chức đảng, chính quyền các cấp thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu sau:
1. Mục tiêu đến năm 2030
- Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn
định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn,
làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; cung cấp đầy đủ, đa dạng, an
toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất
lượng ngày càng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần bảo đảm
nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.
- Sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa với kế hoạch chặt chẽ;
nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, bảo đảm thu nhập của
người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020, bảo đảm khả năng
tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu.
- Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối,
khoa học; nâng mức tiêu thụ lương thực; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới
5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 19% và thể nhẹ cân xuống dưới 10,5%; tỉ lệ béo
phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%.
2. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các
cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc
gia
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tổ chức quán
triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân về vai trò, ý nghĩa quan trọng của
công tác bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. Nâng cao nhận
thức về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho các tầng lớp cán bộ, đảng
viên và nhân dân; xác định bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ thường
xuyên quan trọng góp phần bảo đảm sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước.
2.2. Tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất,
chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tập
trung, quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị
Quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên
canh sản xuất lương thực, thực phẩm chủ lực (lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản...) ở
những địa bàn có lợi thế. Tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ
cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông sản dược liệu gắn với
truy xuất nguồn gốc, giám sát an toàn thực phẩm. Phát triển mạnh công nghiệp chế
biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị, dinh dưỡng, đa dạng hóa các mặt
hàng lương thực, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và xuất
khẩu.
2.5. Nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của
người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng
Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng phục
vụ sản xuất, thương mại lương thực, thực phẩm, đặc biệt là hệ thống kho dự trữ,
bảo quản, logistics, lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận lương thực,
thực phẩm trong mọi tình huống, nhất là các hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc
biệt khó khăn. Bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân
đối, khoa học, nhất là đối với thanh thiếu niên, nhi đồng để nâng cao tầm vóc,
thể lực, trí lực của người Việt Nam. Phát triển hệ thống thông tin an ninh
lương thực, thực phẩm; dự báo về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm, kết
nối với khu vực và toàn cầu.
2.4. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế,
chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia
Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách đất
đai, tài chính, bảo hiểm, tín dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền
vững. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa được quy hoạch; cho phép chuyển đổi
linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa, nhưng không làm thay đổi
tính chất, điều kiện sử dụng đất lúa, bảo đảm mục tiêu giữ ổn định diện tích đất
lúa. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân, địa phương trồng lúa
và doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương
thực, thực phẩm, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; kết
hợp hiệu quả giữa dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu lương thực,
thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp. Thực hiện các chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi
người dân có đủ lương thực khi cần thiết. Nghiên cứu, bổ sung, ban hành các chế
tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về
bảo đảm an toàn thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia.
2.5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn
nhân lực, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu
cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại; đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên
gia, cán bộ kỹ thuật, công nhân nông nghiệp đủ năng lực tiếp thu, vận hành,
chuyển giao công nghệ mới.
Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế
tham gia đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến
và lưu thông lương thực, thực phẩm. Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ và
phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh, tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu;
công nghệ sau thu hoạch. Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiến bộ
kỹ thuật, trọng tâm là khoa học quản lý, công nghệ sinh học, công nghệ thông
tin... Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các loại giống năng suất cao, chất lượng
tốt, giống cây trồng sử dụng ít nước và chịu được ngập úng, hạn, mặn.
2.6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước về an ninh lương thực; quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường,
sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai
Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn ở cấp cơ
sở; ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa các dịch vụ công trong nông nghiệp.
Hoàn thiện hệ thống và mối liên hệ về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trong các
cơ quan có liên quan quản lý nhà nước về an ninh lương thực. Tổ chức lại ngành
hàng lúa gạo trong chuỗi giá trị; xây dựng cơ chế, chính sách và giám sát quản
lý thị trường lúa gạo, bao gồm cả xuất khẩu. Kiện toàn bộ máy giám sát an toàn
thực phẩm.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất,
nước, rừng; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lúa. Có cơ chế, chính sách
và chế tài đủ mạnh để sớm chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Đầu tư
xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và ứng dụng công nghệ cao để quản lý, sử dụng đất
trồng lúa hiệu quả, bền vững. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
và phòng, chống thiên tai. Hoàn thiện quy hoạch và đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy
lợi, hệ thống hồ chứa nước, rừng đầu nguồn, đập ngăn mặn bảo đảm an ninh nguồn
nước.
2.7. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực
an ninh lương thực
Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thị trường
xuất khẩu lương thực, thực phẩm; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất
lượng, an toàn thực phẩm với các đối tác thương mại. Phát huy và tranh thủ lợi
thế ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong quan hệ quốc tế; xây dựng quan hệ đối tác
dài hạn để đầu tư phát triển các vùng sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm ổn
định, đáng tin cậy với các thị trường nhập khẩu nông sản.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp
quán triệt, thực hiện Kết luận này. Các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương
xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện các mục tiêu,
nhiệm vụ, giải pháp bảo đàm an ninh lương thực quốc gia; cụ thể hóa các nội
dung về bảo đảm an ninh lương thực trong báo cáo chính trị đại hội đảng các cấp
nhiệm kỳ 2020 - 2025 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo sửa đổi, bổ
sung Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật khác có liên quan để thể chế
hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật đất
đai đã được nêu tại Nghị quyết Trung ương 6 khoá XI và Kết luận số 36-KL/TW,
ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất
đai.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng
Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;
nghiên cứu, hoàn thiện mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh
lương thực; hoàn thiện hệ thống tổ chức và hoạt động cơ quan quản lý nhà nước về
nông nghiệp, nông thôn từ Trung ương đến cơ sở.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường vận động nhân dân thực hiện,
xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện.
5. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp
với Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên
quan theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận
này; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nơi nhận:
- Bộ Chính trị (để báo cáo);
- Các tỉnh ủy, thành ủy;
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương;
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
TM/ BỘ CHÍNH TRỊ
Trần Quốc Vượng
|