Những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng hiện nay? Việt Nam quản lý kinh doanh vàng theo nguyên tắc nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
09/11/2024 12:30 PM

Những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng hiện nay? Việt Nam quản lý kinh doanh vàng theo nguyên tắc nào?

Những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng hiện nay? Việt Nam quản lý kinh doanh vàng theo nguyên tắc nào?

Những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng hiện nay? Việt Nam quản lý kinh doanh vàng theo nguyên tắc nào?

Những yếu tố ảnh hưởng tới giá vàng hiện nay?

Từ trước đến nay, giá vàng luôn được xem là một thước đo của nền tài chính toàn cầu, thể hiện sự ổn định dựa trên tình hình kinh tế, chính trị,...trên thế giới. Vì tình hình thế giới luôn biến động và thay đổi, do đó mà giá vàng cũng luôn biến động thay đổi theo.

Dưới đây là những yếu tố được xem là ảnh hưởng tới giá vàng hiện nay:

(1) Yếu tố cung – cầu trong thị trường vàng

Không chỉ riêng đối với vàng, yếu cung - cầu luôn được xem là quan trọng hàng đầu đối với mọi thị trường kinh tế, thương mại,…hiện nay. Vàng là một nguồn tài nguyên hữu hạn, phần lớn được khai thác tại các nước như Trung Quốc, Nga, Úc, và Nam Phi. Khi nguồn cung hạn chế do các yếu tố như điều kiện khai thác khó khăn hoặc các quy định quốc gia, giá vàng có xu hướng tăng. Ngược lại, khi nguồn cung dư thừa, giá có thể giảm.

(2) Tình hình kinh tế toàn cầu

Giá vàng chính là thước đo, phản ánh tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. Nếu nền kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao, giá trị đồng tiền mất giá,…thì mọi người sẽ lựa chọn mua vàng để dự trữ, từ đó khiến giá vàng tăng. Bởi vàng là phương tiện cất giữ giá trị truyền thống nhất và phổ biến nhất trong lịch sử, nó an toàn và ổn định hơn các phương tiện cất giữ khác.

(3) Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương

Chính sách tiền tệ do các ngân hàng trung ương lớn, nổi tiếng nhất chính là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra có tác động trực tiếp đến giá vàng.

Trong đó, lãi suất do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt ra, được coi là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá vàng thế giới.

Khi lãi suất tăng, giá vàng thường có xu hướng giảm do nhà đầu tư chuyển sang các kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như trái phiếu và cổ phiếu và ngược lại.

(4) Tỷ giá hối đoái và giá trị của đồng đô la Mỹ (USD)

Sự biến động của đồng USD có tác động trực tiếp đến giá vàng. Vì giá vàng thế giới thường thường được định giá bằng USD. Khi đồng USD tăng giá, vàng trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác, làm giảm nhu cầu và kéo giá vàng xuống và ngược lại.

(5) Tình hình chính trị, xung đột, chiến tranh

Bất ổn chính trị, đặc biệt là các xung đột quân sự hoặc căng thẳng giữa các quốc gia lớn, cũng có thể đẩy giá vàng lên. Vàng được coi là một loại tài sản an toàn trong những thời điểm này, vì các nhà đầu tư tìm cách bảo vệ tài sản của họ trước những biến động không lường trước.

Ví dụ, trong các cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Israel và Iran,… giá vàng đã tăng mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động của chiến tranh lên nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính.

(6) Yếu tố lạm phát

Đây là cũng yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng. Khi lạm phát tăng, sức mua của đồng tiền giảm và các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản có giá trị ổn định hơn như vàng để bảo toàn tài sản của mình. Trong những thời kỳ lạm phát cao, giá vàng thường có xu hướng tăng mạnh.

(7) Lợi suất trái phiếu

Giá vàng và lợi suất trái phiếu thường có mối quan hệ ngược chiều. Khi lợi suất trái phiếu tăng, nhà đầu tư có xu hướng chuyển tiền vào trái phiếu, vì đây là kênh đầu tư sinh lời cao và ít rủi ro hơn so với vàng. Điều này khiến nhu cầu vàng giảm, kéo giá vàng xuống

(Thông tin trên mang tính chất tham khảo)

Việt Nam quản lý kinh doanh vàng theo nguyên tắc nào?

Tại Việt Nam, quy định về kinh doanh vàng đang được thực hiện theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Theo Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì Nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo các nguyên tắc sau:

(i) Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

(ii) Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.

(iii) Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

(iv) Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

(v) Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(vi) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

(vii) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

(viii) Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật các tổ chức tín dụng.

(ix) Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại (vi), (vii), (viii) là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 198

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn