'Thị trường vàng sẽ bớt sóng gió trong năm 2013'

10/02/2013 13:28 PM

Tâm lý thận trọng và tỉnh táo của người dân, cộng với hàng loạt chính sách mới của cơ quan quản lý sẽ giúp thị trường vàng ổn định, bớt sóng gió hơn trong năm nay, theo bà Cao Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ.

- Những định hướng lớn của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh vàng miếng cũng như nữ trang năm 2013, thưa bà?

- Trong 3 năm gần đây, nhiều nhà đầu tư tham gia mua bán vàng tạo cho thị trường này doanh số giao dịch khổng lồ và cũng không kém phần rối rắm. Những chính sách vừa qua của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý vàng miếng là cần thiết để thị trường phi vàng hóa và đi vào một quỹ đạo chung.

Tổng giám đốc PNJ Cao Ngọc Dung.
Tổng giám đốc PNJ Cao Ngọc Dung.

Về quy định quản lý nữ trang, thực ra trước giờ đã có, Nghị định 24 chỉ nhắc lại, duy việc đóng tên thương hiệu lên sản phẩm là mới. Điều này ít ra nó sẽ đưa thị trường vào khuôn khổ. Tuy nhiên, quy định là vậy nhưng ai sẽ kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện mới là điều quan trọng.

Trên thế giới, các nước kiểm soát chất lượng vàng trang sức rất kỹ, khi doanh nghiệp xuất hàng qua Châu Âu... sẽ có cơ quan kiểm định xem hàng có đủ chất lượng hay không sau đó mới cho doanh nghiệp nước họ nhận hàng, trường hợp vàng non tuổi sẽ bị buộc xuất về lại. Còn Việt Nam thì vàng nữ trang nhập vào chất lượng sao cũng được, kể cả chất lượng nữ trang trong nước cũng bị thả nổi.

Do vậy, những doanh nghiệp làm ăn chính quy sẽ bị thiệt thòi vì bản thân phải làm vàng đúng tuổi, đóng thuế hàng trăm tỷ đồng mỗi năm... Tất cả chi phí đều phải cộng vào giá bán do đó phải chấp nhận sự cạnh tranh không công bằng với đại đa số các cửa hàng nhỏ lẻ không bị quản lý về chất lượng và tiền thuế. Nếu Nhà nước có chính sách quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới thì những doanh nghiệp từ trước đến nay hoạt động nghiêm túc sẽ có nhiều thuận lợi và quan trọng hơn là tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh tạo đà phát triển cho ngành kim hoàn Việt Nam.

- Bà nhận định thế nào về xu hướng của thị trường vàng Việt Nam năm tới, cả về cung cầu lẫn giá cả?

- Do chính sách quản lý theo hướng thu hẹp hoạt động vàng miếng của Chính phủ nên khả năng cung cầu thời gian tới sẽ không quá căng thẳng. Người dân hiện nay cũng không còn tâm lý đám đông như trước mà có sự tĩnh táo và cân nhắc thận trọng khi tham gia mua bán nên sẽ không tạo ra những biến động mạnh trên thị trường.

Riêng về giá, bên cạnh sự phụ thuộc vào đà tăng giảm của thế giới thì chính sách điều hành của cơ quan quản lý cũng có vai trò quyết định. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang phát ra một tín hiệu sẽ tham gia mua bán vàng. Nếu điều này được thực hiện, thị trường sẽ có một nhạc trưởng để điều phối giá vàng nhằm xóa bỏ sự chênh lệch lớn giữa giá trong và ngoài nước. Ngoài ra, tôi cho rằng nếu thời gian tới Việt Nam có một sàn vàng đúng nghĩa, thì nó sẽ là nơi điều phối thị trường vàng trong nước rất tốt.

Các chính sách quản lý đang thu hẹp thị trường vàng miếng, cùng với tâm lý đám đông của người dân giảm nê thị trường vàng 2013 sẽ bớt sóng gió.
Các chính sách quản lý đang thu hẹp thị trường vàng miếng, cùng với tâm lý đám đông của người dân giảm nên thị trường vàng 2013 sẽ bớt sóng gió. Ảnh: Lệ Chi

Riêng về nữ trang, năm 2012, theo đánh giá của hội đồng vàng thế giới, thị trường quốc tế sụt giảm 12%, còn Việt Nam giảm không đáng kể, khoảng 6%. Trong năm nay, tình hình kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng sau một thời gian dài khó khăn, một số khách hàng cho biết họ có kỳ vọng tăng trưởng doanh thu, đây sẽ là cơ hội cho xuất khẩu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, với sự phục hồi chậm chạp của các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ... khả năng nhu cầu nữ trang của thế giới vẫn chưa thể tăng. Còn nhu cầu trong nước, thời gian qua cũng bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn, do đó dự đoán xu hướng sắp tới trong bối cảnh này thực sự rất khó.

- Thị trường nữ trang được đánh giá rất tiềm năng, Việt Nam lại có đội ngũ thợ kim hoàn khéo tay… nhưng thực tế thời gian qua kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Theo bà nguyên nhân do đâu?

- Trước hết, tay nghề của thợ kim hoàn Việt Nam chỉ khéo chứ chưa cao và khi làm theo quy trình công nghiệp thì do tính kỷ luật của công nhân còn kém. Cho nên so về năng suất ngành, Việt Nam hiện nay chỉ bằng nửa Thái Lan dẫn đến giá thành đắt, không thể cạnh tranh nỗi với nước bạn.

Ngoài ra, thị trường sản xuất trong nước mang tính nhỏ lẻ, không có sự chuyên nghiệp và chuyên môn hóa. Một lực cản khác là vấn đề nhập nguyên liệu. Ngân hàng Nhà nước có chủ trương cấp quota nhập vàng cho doanh nghiệp làm hàng nữ trang xuất khẩu nhưng lại cấp theo quyết toán của mỗi đơn hàng, chứ không phải theo quý hay năm. Điều này tạo ra sự bất cập lớn vì đơn hàng nữ trang thường xuất từng lô nhỏ theo từng đơn hàng khoảng vài kg. Mỗi tuần chúng tôi xuất nhiều lần như thế, mà thủ tục xin quota xuất thì mất nhiều thời gian và qua nhiều thủ tục, do đó không thể thực hiện được việc xin quota.

PNJ đến giờ vẫn chưa dám phát triển mạnh mảng xuất khẩu vì nguyên liệu sản xuất tính với nước ngoài theo giá thế giới, nhưng có những lúc phải mua vàng nguyên liệu trong nước với giá cao hơn quốc tế nên có đơn hàng bị lỗ. Ngoài ra, các nguyên phụ trợ, quan trọng nhất là đá (góp phần làm cho sản phẩm nữ trang có sự phong phú) doanh nghiệp cũng phải nhập khẩu từ Thai Lan, Hong Kong... tốn chi phí nhập khẩu. Sau đó làm ra sản phẩm lại xuất ngược ra nên phát sinh chi phí nhiều khiến giá thành cao.

Tất cả những nguyên nhân trên đã làm cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nữ trang Việt Nam bị thua kém các nước và kim ngạch xuất khẩu bị hạn chế.

- Bà đánh giá thế nào về tình hình kinh doanh năm qua của các doanh nghiệp trong ngành?

- Trong năm qua, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định thu hẹp hoạt động kinh doanh vàng miếng và chỉ còn duy nhất một thương hiệu vàng SJC thuộc Ngân hàng Nhà nước. Về chính sách vĩ mô, đây là quyết định đúng nhằm tránh những rủi ro về tiền tệ.

Tuy nhiên, sự thay đổi từ chỗ được kinh doanh một cách tự do, nay phải vào khuôn khổ, bản thân các doanh nghiệp vàng đã đánh đổi rất nhiều. Bởi khi không còn được sản xuất miếng vàng thương hiệu riêng, các công ty chỉ có thể mua vào mà không thể bán ra. Trong khi đó, việc chuyển đổi chậm dẫn đến tồn kho nhiều, kéo theo các chi phí phát sinh và rủi ro về giá... khiến doanh thu từ mảng vàng miếng trong năm qua sụt giảm mạnh.

Bản thân PNJ, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn chung và sự thay đổi nên cũng bị ảnh hưởng đáng kể từ hoạt động kinh doanh vàng miếng. Ngoài ra, hoạt động cốt lõi của công ty là sản xuất nữ trang, nhưng với tình hình kinh tế khó khăn, người dân dùng tiền cho những hoạt động thiết yếu nên cũng hạn chế mua sắm trang sức. Do đó, năm 2012, dù hết sức cố gắng nhưng PNJ cũng bị sụt giảm 2% doanh thu bán lẻ vàng trang sức và không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra (giảm 6,6% so với cùng kỳ).

Trong năm 2013, thị trường thế giới dự đoán còn nhiều khó khăn, trong nước cũng diễn biến phức tạp nên công ty khá thận trọng về kế hoạch lợi nhuận. Chúng tôi phải nỗ lực để đẩy mạnh hoạt động mảng trang sức cả sỉ và lẻ, phấn đấu tăng doanh thu 30%, mới có thể giữ được kế hoạch lợi nhuận bằng năm 2012 (vì phải bù cho khoản lợi nhuận sụt giảm của vàng miếng).

- Kinh tế vĩ mô 2013 có những yếu tố nào thuận và không thuận cho thị trường vàng thưa bà?

- Trước hết, khó khăn của nền kinh tế trong năm 2012 là sự bộc phát của cả một quá trình ủ bệnh trong nhiều năm và diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt nghiêm trọng hơn là sức mua suy yếu, niềm tin tiêu dùng giảm sút. Trong năm qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để vực dậy nền kinh tế, do đó 2013 những thay đổi về chính sách sẽ phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, tôi cũng không lạc quan lắm về tình hình kinh tế 2013 cũng như 6 tháng đầu năm nay. Vì niềm tin tiêu dùng là yếu tố quan trọng nhất trong một nền kinh tế, và sức tiêu thụ của thị trường bán lẻ suy yếu diễn ra trong thời gian dài nên không thể một sớm một chiều mà vực dậy ngay được.

Tôi cho rằng, người dân Việt Nam hiện nay không phải không có tiền, nhưng vì niềm tin chưa đủ mạnh nên không dám bỏ vốn ra làm ăn hoặc tiêu xài mà chỉ tập trung gửi tiết kiệm hoặc mua vàng về cất trữ. Điều này không có lợi cho nền kinh tế. Bởi vì đầu tư và tiêu dùng mới chính là cái gốc của tăng trưởng.

Do vậy, không chỉ riêng cá nhân tôi mà tất cả các doanh nghiệp, người dân đều mong muốn năm 2013 và những năm tới, Việt Nam ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô và không có những biến động về ngoại hối, lạm phát, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Lệ Thanh

Theo VNEXPRESS

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,934

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn