Ngân hàng Nhà nước có can thiệp vào thị trường vàng trong nước?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
09/11/2024 13:15 PM

Ngân hàng Nhà nước có can thiệp vào thị trường vàng trong nước? Hành vi nào là vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng?

Ngân hàng Nhà nước có can thiệp vào thị trường vàng trong nước?

Hiện nay, theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 24/2012/NĐ-CP về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã quy định Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp sau đây:

- Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

- Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.

- Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, có thể thấy nếu như thị trường vàng có nhiều biến động, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc can thiệp, bình ổn thị trường vàng bằng các biện pháp theo quy định trên.

Ngân hàng Nhà nước có can thiệp vào thị trường vàng trong nước?

Ngân hàng Nhà nước có can thiệp vào thị trường vàng trong nước?

Nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh vàng như thế nào?

Theo Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì Nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo các nguyên tắc sau:

(i) Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

(ii) Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.

(iii) Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

(iv) Quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

(v) Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vàng phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(vi) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

(vii) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

(viii) Hoạt động phái sinh về vàng của các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo Điều 105 Luật các tổ chức tín dụng.

(ix) Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại (vi), (vii), (viii) là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép.

Hành vi nào là vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng?

Hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm:

(1) Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.

(2) Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

(3) Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

(4) Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

(5) Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

(6) Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.

(7) Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

(Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 628

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]